Nga vượt qua lệnh trừng phạt phương Tây trong sản xuất vũ khí
(Dân trí) - Nga đã vượt qua các lệnh trừng phạt cùng quy định kiểm soát xuất khẩu do phương Tây áp đặt, và có thể mở rộng sản xuất tên lửa vượt mức trước xung đột, theo các quan chức Mỹ, châu Âu và Ukraine.
Ngoài việc chi hơn 40 tỷ USD để cung cấp vũ khí cho Ukraine, Mỹ còn coi việc siết dòng vũ khí cho quân đội Nga là một phần quan trọng trong chiến lược hỗ trợ Kiev.
Với tác động của lệnh trừng phạt, quan chức Mỹ ước tính Nga đã buộc phải giảm đáng kể quy mô sản xuất tên lửa và các loại vũ khí khác trong ít nhất 6 tháng kể từ khi xung đột nổ ra vào tháng 2/2022.
Nhưng đến cuối năm 2022, sản xuất công nghiệp quân sự của Moscow bắt đầu tăng tốc trở lại, các quan chức Mỹ giấu tên thừa nhận với New York Times.
Nga vượt qua các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ bằng cách sử dụng cơ quan tình báo và Bộ Quốc phòng để vận hành mạng lưới những người chuyên bí mật vận chuyển các linh kiện thiết yếu. Trong vòng chưa đầy 1 năm kể từ đầu xung đột, Nga đã xây dựng lại các tuyến giao thương linh kiện thiết yếu bằng cách chuyển chúng qua các quốc gia như Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ.
Cơ quan quản lý của Mỹ và châu Âu đang cố phối hợp để hạn chế xuất khẩu chip sang Nga, nhưng lại gặp khó khăn trong việc ngăn chặn dòng chảy ấy đi qua các quốc gia có quan hệ với Moscow.
Việc Nga tăng cường sản xuất tên lửa có thể đồng nghĩa với một mùa đông đặc biệt u ám và lạnh lẽo đối với người dân Ukraine, theo các quan chức.
Sản xuất quân sự Nga tăng vọt
Vào tháng 10/2022, Mỹ đã tập hợp các quan chức quốc tế tại Washington nhằm tìm cách tăng cường trừng phạt đối với kinh tế Nga. Vào thời điểm đó, quan chức Mỹ bày tỏ niềm tin rằng các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu đã phát huy hiệu quả.
Nguyên nhân là do những biện pháp ấy đã ngăn cản các nước gửi vi mạch, bộ xử lý máy tính và các cấu kiện khác cần dùng cho vũ khí dẫn đường chính xác, cũng như linh kiện động cơ diesel, trực thăng, phản lực và xe tăng.
Nhưng Nga đã nhanh chóng thích nghi thông qua các động thái nhằm đảm bảo nguồn cung cấp cấu kiện cần thiết.
Với doanh thu từ giá năng lượng cao, các cơ quan an ninh và Bộ Quốc phòng Nga đã có thể tìm được vi điện tử và các vật liệu khác từ phương Tây cần thiết cho tên lửa hành trình và các loại vũ khí dẫn đường chính xác. Sản xuất quân sự không những phục hồi mà còn tăng vọt.
Trước xung đột, Nga có thể sản xuất 100 xe tăng mỗi năm, theo một quan chức quốc phòng cấp cao của phương Tây. Hiện con số đó là 200 chiếc.
Giới chức phương Tây cũng tin rằng Nga đang trên đà sản xuất 2 triệu quả đạn pháo/năm, gấp đôi con số ban đầu mà cơ quan tình báo phương Tây ước tính Nga có thể sản xuất trước xung đột.
Nhờ đó, Nga đang sản xuất nhiều đạn dược hơn Mỹ và châu Âu. Về tổng thể, ước tính sản lượng đạn dược hiện tại của Nga lớn gấp 7 lần so với phương Tây, theo Kusti Salm, một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Estonia.
Ông Salm cho rằng, chi phí sản xuất tại Nga thấp hơn nhiều so với phương Tây một phần vì Moscow đánh đổi sự an toàn và chất lượng để chế tạo vũ khí giá rẻ hơn.
Chẳng hạn, một nước phương Tây phải tốn 5.000-6.000 USD để chế tạo một quả đạn pháo 155 mm, trong khi Nga chỉ tốn khoảng 600 USD/một quả đạn pháo 152 mm tương đương, ông Salm nói.
Dù vậy, Nga vẫn gặp phải một số thách thức. Theo những người nhận được báo cáo tình báo, Nga hiện không có kho tên lửa lớn, dù với một số loại tên lửa thì số lượng trong kho hiện nay lớn hơn so với thời điểm bắt đầu xung đột, như tên lửa hành trình Kh-55.
"Ở một số lĩnh vực nhất định, Nga đã có thể tăng cường sản xuất một cách đáng kể", Dmitri Alperovitch, chuyên gia an ninh quốc tế và Chủ tịch Silverado Policy Accelerator, tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, nhận định.
Với những linh kiện mà Nga cần tới hàng triệu đơn vị, biện pháp kiểm soát xuất khẩu có thể làm đình trệ hoạt động sản xuất. Nhưng số lượng con chip dùng để chế tạo vài trăm quả tên lửa hành trình có thể được nhét vừa vào một vài chiếc ba lô, từ đó khiến việc lách lệnh trừng phạt trở nên tương đối đơn giản, theo ông Alperovitch.
Ưu thế của Nga và hy vọng cho Ukraine
Các quan chức Mỹ nói họ có thể làm chậm, nhưng không thể ngăn cản Nga buôn lậu các bộ phận cần thiết cho sản xuất tên lửa. Theo Bộ Thương mại Mỹ, một trong những cách thích nghi của Nga là vận chuyển linh kiện sang nước thứ ba sau đó chuyển chúng trở lại Nga.
Hiện tại, Mỹ và Liên minh châu Âu có chung danh sách gồm 38 loại mặt hàng hạn chế xuất khẩu sang Nga. Quan chức Mỹ cho biết 9 trong số 38 mặt hàng trên, chủ yếu là thiết bị vi điện tử dùng trong tên lửa và UAV, có mức độ ưu tiên ngăn chặn cao nhất.
Quan chức Mỹ và châu Âu đang làm việc với các ngân hàng để phát triển hệ thống nhằm cảnh báo chính phủ các nước về khả năng vi phạm lệnh trừng phạt. Cho đến nay, các ngân hàng Mỹ đã cảnh báo chính phủ nước này về 400 giao dịch đáng ngờ và Bộ Thương mại Mỹ đã có thể sử dụng 1/3 số báo cáo đáng ngờ đó trong các cuộc điều tra.
Hôm 31/8, Bộ Thương mại Mỹ cáo buộc 3 người tham gia vào mạng lưới mua sắm bất hợp pháp của Nga. Một trong 3 người ấy có tên Arthur Petrov, công dân Nga gốc Đức, đã bị Bộ Tư pháp Mỹ bắt giữ và buộc tội vi phạm kiểm soát xuất khẩu.
Ông Petrov bị cáo buộc mua lại các thiết bị vi điện tử từ các nhà xuất khẩu có trụ sở tại Mỹ để gửi đến Cyprus, Latvia hoặc Tajikistan. Khi đến nơi, số hàng tiếp tục được một số công ty khác gửi đi và cuối cùng tới được Nga.
Một trong những thách thức đối với chính phủ Mỹ là Nga không cần những con chip cao cấp, vốn dễ theo dõi hơn, mà là những con chip thông dụng có thể được sử dụng vào nhiều mục đích, không chỉ tên lửa dẫn đường.
Dù vậy, quan chức Mỹ và phương Tây cho biết vẫn còn một số tin tốt. Sản xuất của Nga vẫn không theo kịp tốc độ tiêu hao của quân đội.
Chẳng hạn, dù đang trên đà sản xuất 2 triệu viên đạn pháo/năm, Nga đã bắn khoảng 10 triệu viên vào năm 2022. Điều này khiến Moscow phải tìm cách tăng nguồn dự trữ từ các nơi khác, gần nhất là nỗ lực đạt thỏa thuận cung cấp đạn pháo với Triều Tiên, theo quan chức Mỹ và phương Tây.
Nga và Triều Tiên đều phủ nhận cáo buộc về các thỏa thuận cung cấp vũ khí giữa hai nước.
Và dù đã thành công tìm được nguồn cung bộ vi xử lý và bảng mạch, Nga đang đối mặt tình trạng thiếu thuốc phóng tên lửa và chất nổ cơ bản - những vật liệu có thể khó vận chuyển bí mật hơn bảng mạch, theo các quan chức Mỹ.
Việc tăng cường sản xuất quân sự cũng gây tổn thất cho kinh tế Nga, đặc biệt là khi lãi suất tăng vọt ở nước này. Cái giá phải trả để vượt qua các lệnh cấm xuất khẩu của phương Tây cũng không hề rẻ, theo quan chức Mỹ và phương Tây.
Một quan chức quốc phòng cấp cao của phương Tây cho biết, Nga đã tái phân bổ gần 1/3 nền kinh tế thương mại của mình sang sản xuất vũ khí. Đồng thời, đất nước này phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động.
Nga đã giảm tập kích vào lưới điện Ukraine trong mùa hè. Nhưng khi mùa đông đến, một số nhà phân tích cùng quan chức chính phủ Ukraine và phương Tây cho rằng Nga có thể tiếp tục chiến dịch không kích Kiev để làm suy yếu ý chí của người Ukraine.
Các quan chức Mỹ hy vọng nguồn cung đạn pháo phòng không ổn định và các hỗ trợ khác có thể giúp Ukraine chống lại các đợt tập kích tên lửa.
"Người Ukraine đã trở nên hiệu quả hơn trong việc bảo vệ cơ sở hạ tầng và xây dựng hệ thống phòng thủ xung quanh các nhà máy điện quan trọng", ông Salm nói. "Họ đã giỏi hơn trong việc sửa chữa để đảm bảo tác động của việc mất điện và các sự cố khác không quá nặng nề".