1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga và NATO đang "tích cực chuẩn bị cho chiến tranh"

(Dân trí) - Nga và NATO đang tích cực chuẩn bị chiến tranh với nhau, trong bối cảnh căng thẳng quân sự tại châu Âu gia tăng mạnh nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, một cơ quan nghiên cứu cảnh báo.

nato-drill-2015-52aa3

Thông tin được cơ quan nghiên cứu có tên Mạng lưới lãnh đạo châu Âu đưa ra trong bản báo cáo mới đây. Theo đó, các cuộc diễn tập gần đây của quân đội Nga và NATO đã dẫn tới một số vụ suýt va chạm, và có thể dẫn tới đối đầu giữa hai bên.

Bản báo cáo được công bố trong bối cảnh giao tranh tại miền Đông Ukraine đang ở mức ác liệt nhất 6 tháng qua, còn Bộ trưởng quốc phòng Anh Michael Fallon cam kết sẽ tăng cường hoạt động huấn luyện của quân đội Anh cho Ukraine.

“Chúng tôi không cho rằng lãnh đạo của bất kỳ bên nào đã quyết định tiến hành chiến tranh, hoặc khả năng xảy ra xung đột quân sự là không thể tránh khỏi, nhưng tính chất đã thay đổi của các cuộc huấn luyện là một thực tế, và góp phần kéo dài bầu không khí căng thẳng tại châu Âu”, các tác giả bản báo cáo nhận định.

Báo cáo chỉ ra rằng cả NATO và Nga đã chuẩn bị sẵn sàng lực lượng ra sao để phản ứng trong tình huống khủng hoảng leo thang, sau khi bạo lực bùng phát tại Ukraine hồi đầu năm ngoái.

Quá trình chuẩn bị đó bao gồm những cuộc tập trận lớn của cả Nga và NATO, được thiết kế dường như để ứng phó cụ thể với năng lực quân sự và kế hoạch tham chiến tiềm năng của bên còn lại.

Và cho dù người phát ngôn có thể quả quyết các cuộc diễn tập chỉ nhắm tới đối phương giả định, bản chất và quy mô của những cuộc diễn tập đó lại cho thấy điều ngược lại, báo cáo khẳng định.

Hồi tháng 3 vừa qua, Nga đã tiến hành những cuộc “diễn tập chớp nhoáng”, với 80.000 binh sỹ tham gia vào những đợt điều động tầm xa, kèm theo giả định tác chiến ở quy mô mà chỉ có thể là đối đầu với NATO hoặc Mỹ.

Trong khi đó, cuộc diễn tập “Lá chắn Đồng minh” của NATO hồi tháng 6 đã có sự tham gia của 15.000 binh sỹ, trong một loạt chiến dịch giả định, bao gồm phản ứng trước một cuộc xâm nhập của những lực lượng phi chính quy như từng diễn ra tại Crimea.

Trong cả hai trường hợp, các cuộc diễn tập đều tập trung vào những khu vực mà NATO và Nga xem là xung yếu nhất của mình. NATO điều quân để bảo vệ các quốc gia vùng Baltic, còn Nga điều động viện binh tới Bắc Cực, vùng Kaliningrad, Crimea và đảo Sakhalin ở Viễn Đông.

Lá chắn Đồng minh cũng lần đầu tiên có sự tham gia của Lực lượng Đặc nhiệm sẵn sàng cao, một đơn vị phản ứng nhanh được thành lập sau hội nghị thượng đỉnh NATO tại Wales năm 2014, nhằm ứng phó việc Nga sáp nhập Crimea.

Các tác giả bản báo cáo cũng đề xuất Nga và NATO cần nâng cao hơn nữa việc trao đổi thông tin, nhằm tránh khả năng xảy ra va chạm, đồng thời thảo luận về một hiệp ước vũ khí mới để hạn chế việc sử dụng các lực lượng thông thường tại châu Âu.

“Nếu Nga và NATO một lúc nào đó quyết định cần phải giảm căng thẳng, thì việc hạn chế về quy mô hoặc các tình huống giả định trong huấn luyện có thể là bước khởi đầu tốt”, báo cáo kết luận.

Thanh Tùng

Theo Telegraph

 

Nga và NATO đang "tích cực chuẩn bị cho chiến tranh" - 2