1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nga và NATO bất ngờ nhóm họp sau 2 năm lạnh nhạt

(Dân trí) - Sau gần 2 năm “đóng băng” quan hệ do những căng thẳng liên quan đến việc Nga cho Crimea sáp nhập, lần đầu tiên Nga và NATO thống nhất nối lại các cuộc hội đàm ở cấp đại sứ tại Brussel (Bỉ) trong 2 tuần tới.


Hội đồng Nga-NATO sẽ có cuộc họp trong hai tuần tới (Ảnh minh họa: Reuters)

Hội đồng Nga-NATO sẽ có cuộc họp trong hai tuần tới (Ảnh minh họa: Reuters)

Ngày 8/4, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexey Meshkov cho biết, cuộc họp Nga-NATO có thể diễn ra “trong một vài tuần tới”. Phía NATO cũng xác nhận thông tin cuộc hội đàm sẽ diễn ra trong 2 tuần tới.

Phái đoàn Nga tại NATO cho biết chương trình nghị sự của cuộc họp đã được hai bên thống nhất, đây cũng là những vấn đề khiến hai bên bất đồng quan điểm trong thời gian qua. Tuy nhiên thời gian cụ thể của cuộc họp vẫn chưa được công bố.

NATO cho biết: “Hội đồng Nga-NATO sẽ thảo luận về tình hình bên trong và xung quanh Ukraine, cũng như sự cần thiết phải thực hiện đầy đủ các thỏa thuận Minsk”. Tuyên bố này của NATO ngầm chỉ các thỏa thuận đạt được sau các cuộc đàm phán hòa bình tại thủ đô của Belarus nhưng đến giờ vẫn chưa được thực hiện.

“Chúng tôi sẽ thảo luận về các hoạt động quân sự, đặc biệt tập trung vào sự minh bạch và giảm thiểu các nguy cơ”, NATO nói thêm, đồng thời khẳng định rằng Afghanistan và các mối đe dọa trong khu vực cũng là những vấn đề sẽ xuất hiện trong chương trình nghị sự.

NATO nói rằng bất cứ cuộc họp nào cũng sẽ phải tập trung giải quyết các cuộc xung đột khiến hơn 9000 người thiệt mạng từ tháng 4/2014 giữa quân đội chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai miền đông nước này. Phương Tây cáo buộc Nga tiếp tay cho phiến quân ở Ukraine, song Nga bác bỏ điều này.

Trong bối cảnh Nga và phương Tây vẫn còn bất đồng quan điểm về vấn đề Ukraine, cuộc họp lần này là dấu hiệu cho thấy hai bên đều sẵn sàng cải thiện quan hệ ngoại giao để ngăn ngừa bất kì xung đột quân sự nào xảy ra trong khu vực.

Việc NATO triển khai kế hoạch hiện diện quân sự lớn nhất của tổ chức này ở khu vực Đông Âu kể từ sau Chiến tranh Lạnh khiến Nga nghi ngại. Do vậy, NATO muốn hội đàm với Matxcơva về việc nâng cao tính minh bạch trong các hoạt động quân sự, từ đó tránh gây hiểu lầm giữa các bên.

NATO đã đình chỉ mọi hoạt động hợp tác với Nga từ tháng 4/2014 để phản đối hành động sáp nhập Crimea của Nga. Mặc dù NATO nói rằng hai bên vẫn có thể duy trì các mối liên hệ chính trị cấp cao, song trên thực tế các đại sứ của NATO và Nga chỉ gặp nhau 2 lần vào tháng 3 và tháng 6/2014 từ sau khi cuộc khủng hoảng Crimea nổ ra.

Thành Đạt

Theo Reuters

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm