Cuộc chiến Nga-NATO bắt đầu tại Aleppo?
Điều Ankara muốn là kéo NATO vào xung đột quân sự với Nga. Tuy nhiên muốn là một chuyện, Mỹ có muốn hay không lại là chuyện khác.
Diễn biến tình hình quân sự tại Syria trong mấy ngày qua đã chứng tỏ một sự thật rõ ràng là dưới sự không kích của Nga, quân đội Syria và Hezbollah đang gần với chiến thắng.
Sự thật này cũng có nghĩa âm mưu lật đổ Assad, xé lẻ Syria của Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và các quốc gia hồi giáo dòng Sunni ở Trung Đông, bị sụp đổ thảm hại. Aleppo-một thành trì chính trị, quân sự hậu cần, kỹ thuật của các lực lượng do họ hậu thuẫn được coi như là “một dấu chấm hết”.
Giới quan sát chính trị, quân sự dễ nhận thấy, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia phản ứng càng hung hăng, mạnh mẽ bao nhiêu thì chiến thắng của Putin và Assad càng gần bấy nhiêu. Đó chẳng qua là biểu hiện “cơn giãy chết” của Aleppo.
Chúng ta không quan tâm đến việc Saudi tuyên bố sẵn sàng đưa 150.000 quân của Saudi vào Syria (nếu Mỹ cho phép), bởi ông Ash Carter mô tả tuyên bố này là “một ý tưởng tốt” mà ông sẽ “thảo luận với các đồng minh khác”.
Chúng ta cũng không quan tâm đến cuộc tập trận tại phía Bắc Saudi với 350.000 quân, 20.000 xe tăng, 2.450 máy bay chiến đấu, 460 máy bay trực thăng của gần 25 quốc gia tham gia mang tên “Sấm sét phương Bắc” (theo Before Its News), bởi ngay chỉ lực lượng Houthis tại Yemen mà lực lượng đồng minh vùng vịnh do Saudi đứng đầu, “tấn công hội đồng” cả năm nay chưa thắng nổi, có nguy cơ sa lầy…thì Syria không phải là Yemen.
Rõ ràng, Arabia Saudi, dù sao vẫn đang trong tầm cái gậy chỉ huy của Mỹ, nhưng điều chúng ta quan tâm hơn là hành động của Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ đã “trượt ra ngoài tầm chỉ huy của Mỹ”.
An ninh quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ bị thách thức!
Nếu như ai đã từng ủng hộ Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine thì hiện nay cũng ít nhiều “thông cảm” với phản ứng của Ankara.
Có thể nói vì an ninh quốc gia (người Kurd Syria chiến thắng lập khu tự trị hoặc quốc gia độc lập…kích hoạt, hỗ trợ, cho người Kurd Thổ Nhĩ Kỳ đã, đang nổi dậy phía Đông Nam đòi ly khai tự trị) khiến Ankara bất chấp đối đầu với Nga và Mỹ.
Tuy nhiên, đây chỉ là hậu quả mà do chính sách đối ngoại sai lầm của Ankara tạo ra.
Đang là một quốc gia Hồi giáo có sức mạnh mềm, cứng, đáng nể trong khu vực, Ankara muốn “bình thiên hạ” bằng cách “đốt nhà hàng xóm” để lửa lan sang nhà mình.
Thế kỷ XXI, chỉ có thế lực cầm quyền thiếu khôn ngoan mới gây chiến tranh với hàng xóm, láng giềng, tạo chiến tranh ngay cạnh nhà mình, nghĩa là dùng sức mạnh cứng để chế áp láng giềng thay vì dùng sức mạnh mềm.
Mỹ có chiến tranh với láng giềng không? Không hề, Mỹ gây chiến với đối thủ bằng hàng xóm của đối thủ, như Ukraine với Nga, như mở rộng NATO về hướng Đông để diệt Nga…
Nga cũng vậy thôi, không muốn chiến tranh với láng giềng, nên bản chất, diễn biến của mối quan hệ Nga-Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ-Syria hoàn toàn khác nhau.
Nguy cơ an ninh Nga bị thách thức tại cuộc khủng hoảng Ukraine là NATO đang chìa dao vào sườn phía Tây nước Nga, đồng thời Hạm đội Biển Đen của Nga bị xóa sổ, mất Biển Đen.
Nguy cơ an ninh Thổ Nhĩ Kỳ bị thách thức, đe dọa bởi Syria trước năm 2011? Không có. Nguy cơ đe dọa thách thức an ninh Thổ Nhĩ Kỳ chỉ xảy ra khi xuất hiện âm mưu lật đổ chính quyền Assad, kiểm soát Syria của Ankara mà thôi.
Thổ Nhĩ Kỳ kéo NATO vào Syria ?
Tuyên bố của Ankara rất rõ là “người Kurd Syria (YPG) phải rút khỏi phía Đông sông Euphrates” và thậm chí rút khỏi sân bay quân sự Minneh phía Bắc Aleppo.
Hành động thì kiên quyết, bằng việc nã pháo và không kích vào lực lượng YPG và mới đây nã pháo vào quân đội Syria tại Latakia.
Tuy nhiên, chắc chắn NATO sẽ không theo “gậy” của Ankara và không bận tâm đến tiếng “la làng” của họ bởi mấy lẽ sau:
Thứ nhất, lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đã mâu thuẫn với nhau. Ankara đã gây khó cho Mỹ, bất chấp Mỹ, khi nã pháo và không kích vào lực lượng người Kurd Syria được Mỹ hậu thuẫn.
Mỹ và châu Âu ủng hộ và hậu thuẫn cho YPG vì coi YPG là lực lượng chống IS hiệu quả nhất, trong khi Ankara coi YPG là quân khủng bố.
Thứ hai là Nga và Mỹ đã thỏa thuận ngầm với nhau về giải pháp cho Syria xong xuôi rồi.
Báo Israel đã phanh phui rằng “Nga và Chính quyền Assad đã, sẽ kiểm soát toàn bộ đất đai ở miền Nam, miền Trung và miền Tây Syria, bao gồm cả Damascus, Daraa, Homs, Hama và Latakia ở trung tâm và Aleppo.
Mỹ đã, sẽ kiểm soát các thị trấn của người Kurd Hassakeh và Qamishli ở phía Bắc Syria…” (Tôi tin điều này và sẽ chứng minh trong bài viết sau).
Thứ ba là Nga đủ khôn ngoan để không tấn công Thổ Nhĩ Kỳ mà chỉ phản đòn quyết liệt với tất cả sức mạnh tại ngay chiến trường Syria và chỉ tấn công quét sạch biên giới Thổ Nhĩ Kỳ khi Ankara dám đụng trực tiếp đến Nga tại căn cứ không quân và hải quân tại Syria.
Như vậy, Mỹ-NATO sẽ không vì Thổ Nhĩ Kỳ mà lao vào một cuộc chiến tranh với Nga.
Vì vậy, Ankara chỉ còn cách bí mật đưa bộ binh tràn sang biên giới vào Syria để ngăn cản sức tiến công của YPG, của quân đội Assad, tránh công khai thách thức Nga là hợp lý nhất, dễ dàng nhất.
Đáng tiếc là, Ankara không thể “bí mật” điều không quân hỗ trợ bởi không quân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không dám thử trong khu vực Nga không cho phép.
Khi tác chiến mà không có không quân hỗ trợ thì quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng chẳng hơn gì quân khủng bố, họ chẳng thay đổi được thế trận.
Nga đang lo sợ?
Aleppo trong tình trạng sắp thất thủ, Saudi Arabia de dọa đưa 150.000 vào Syria với tuyên bố rất ngạo ngược: “Assad hoặc phải từ chức hoặc là bị lật đổ bằng vũ lực”, rồi Thổ Nhĩ Kỳ cũng vậy và không chỉ bằng lời nói…
Thủ tướng Nga Medvedev nói: “Đừng dọa ai bằng chiến dịch mặt đất ở Syria”.
Arabia Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ nên biết: Giới tinh hoa chính trị, quân sự phương Tây đặc biệt lo ngại khi Nga dường như tập trung vào các vũ khí hạt nhân cấp độ thấp, cấp độ sử dụng chiến thuật mà họ gọi đó là đòn “phẫu thuật hạt nhân” phù hợp với học thuyết “hóa giải xung đột” hạt nhân của Nga. Theo đó, Nga sẵn sàng sử dụng các vũ khí hạt nhân cấp độ thấp như một công cụ để kết thúc một cuộc xung đột thông thường theo hướng có lợi cho Nga.
Có lẽ trước khi dọa Nga, ai đó nên biết rõ điều trên kẻo hối không kịp và cũng không nên bỏ ngoài tai cảnh báo của người Nga: “Nếu bất kỳ quân đội nước ngoài vào Syria mà không có sự cho phép của chính phủ Syria, Nga sẽ xem xét rằng “đó là một tuyên bố chiến tranh”.
Theo Lê Ngọc Thống
Đất Việt