1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga ưu tiên S-500 cho Moskva để tránh gặp kịch bản cũ

Với khả năng cùng lúc thực hiện hai nhiệm vụ phòng không và đánh chặn tên lửa đạn đạo, Nga quyết định ưu tiên dùng S-500 để bảo vệ thủ đô Moskva.

Ưu tiên triển khai

Hãng RIA Novosti ngày 19/2 dẫn lời Thứ trưởng Quốc phòng Nga, ông Yuri Borisov tuyên bố, nguyên mẫu hệ thống S-500 đầu tiên sẽ xuất hiện và tiến hành thử nghiệm vào năm 2020.

"Hiện hệ thống này đang trong quá trình hoàn thiện và tiến độ diễn ra theo đúng kế hoạch, hi vọng sẽ hoàn thành một nguyên mẫu vào năm 2020", ông Borisov nói.

Trước đó, Tướng Andrei Cheburin, Sư đoàn trưởng lực lượng Không quân Nga cho biết rằng, các công việc nhằm tạo ra "hệ thống phòng thủ tên lửa thế kỉ 21" đang diễn ra ở mức độ cao nhất.

Nói về kế hoạch trang bị hệ thống này, Tư lệnh Lực lượng phòng thủ tên lửa - không gian vũ trụ của Nga, ông Andrei Demin cho biết, nước này sẽ triển khai những hệ thống S-500 tối tân đầu tiên để bảo vệ Moscow.

"Tôi tin rằng sau các giai đoạn phát triển và thử nghiệm, trung đoàn S-500 đầu tiên sẽ được đưa vào hoạt động cùng với các đơn vị bảo vệ Moscow và miền trung nước Nga".

Hệ thống tên lửa S-400.
Hệ thống tên lửa S-400.

Mặc dù đang sở hữu hệ thống phòng thủ chiến lược S-400 với những tính năng vượt trội so với các vũ khí cùng loại trên thế giới, nhưng Nga tiếp tục cho ra mắt S-500 để thực hiện cùng lúc hai nhiệm vụ phòng không và đánh chặn tên lửa đạn đạo với S-400 và A-135.

Khi nói về khả năng của S-500, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yuri Borisov cho biết, hệ thống phòng thủ tối tân này có thể đánh chặn đồng thời 10 quả tên lửa đạn đạo. Tuyên bố được Thứ trưởng Yuri Borisov đưa ra khi nói về kế hoạch ra mắt hệ thống S-500. Ông Yuri Borisov tuyên bố hệ thống S-500 có thể diệt mọi mục tiêu và S-500 sẽ trở thành hệ thống phòng không/phòng thủ tên lửa nòng cốt trong lực lượng phòng thủ không gian Nga.

Đặc biệt, S-500 có khả năng cùng lúc đánh chặn 10 quả tên lửa đạn đạo tầm trung có tầm bắn 3.500 km, cự ly đánh chặn lí tưởng khoảng 600km. S-500 còn có khả năng bắn hạ vệ tinh tầm thấp và tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) ở đoạn cuối, thậm chí là đoạn giữa hành trình.

Để có khả năng đánh chặn ấn tượng này, S-500 được tích hợp hệ thống truyền thông radio vượt trội. Theo cơ quan báo chí của Bộ Quốc phòng Nga tiết lộ: "Hiện nay, chúng tôi đang phát triển một hệ thống truyền thông radio thế hệ 6 nhằm hoàn thiện các loại thiết bị vũ khí hiện đại đã có hoặc đang phát triển trong quân đội, bao gồm cả hệ thống tên lửa phòng không S-500".

Những hệ thống truyền thông radio thế hệ cũ hoạt động trên các tần số rất phổ biến nên có thể dễ dàng bị đối phương phát hiện hoặc nghe trộm. Hệ thống radio mới của Nga sẽ đảm bảo điều này không thể xảy ra. Nguồn tin nhấn mạnh: "Hệ thống mới sẽ mang đến một tiềm năng chưa từng có. Nó có tầm hoạt động xa hơn, chất lượng truyền dữ liệu tốt hơn và tàng hình trước các hệ thống radar dò tìm của đối phương. Công nghệ truyền thông thế hệ 6 sẽ được tạo ra trong vòng 2 năm tới”.

Trong khi đó, chuyên gia quân sự Mikhail Khodaryonok nhận định rằng: “Sự bảo mật về thông tin của các hệ thống truyền thông là điều quyết định tất cả. Công nghệ tàng hình là điều mọi người đang nhắc đến. Điều này sẽ giúp thông tin được truyền đi trong mọi điều kiện và không bị nghe lén hay ngăn chặn bởi quân địch".

Hệ thống tên lửa phòng không S-500 có tính năng vượt trội so với người tiền nhiệm S-400 Triumph, không chỉ về chức năng phòng không và phòng thủ tên lửa, mà S-500 chỉ mất thời gian 3-4 giây để triển khai bắn tiếp mục tiêu khác trong khi S-400 mất 9-10 giây, hơn nữa S-500 nhỏ gọn và tính năng cơ động cao hơn các hệ thống S-300 và S-400 rất nhiều.

Hệ thống radar sục sạo và điều khiển hỏa lực của radar S-500 được xây dựng trên nòng cốt là radar mảng pha chủ động X-Band, cự li sục sạo của nó đã đạt tới 800-1.000km. Với tính năng siêu việt của mình, S-500 có thể thách thức mọi hệ thống tên lửa tiên tiến nhất thế giới hiện nay.

Tránh lặp kịch bản cũ

Việc cùng lúc phải dùng tới S-400, A-135 và cả S-500 để bảo vệ thủ đô Moskva của Nga được tờ United News of India cho rằng, người Nga không muốn lặp lại kịch bản tại Quảng trường Đỏ vào chiều 28/5/1987.

Khi đó, chiếc máy bay Cessna 172B Skyhawk lượn quanh Quảng trường Đỏ, Moskva, trên văn phòng của các lãnh tụ Liên Xô, sau đó hạ cánh xuống cách không xa chiếc cầu gần điện Kremlin. Từ trong máy bay bước ra chàng trai trẻ. Anh ta không biết tiếng Nga mà nói tiếng Đức, rồi tự xưng tên mình là Mathias Rust, bay từ Đức đến để xem "công cuộc cải tổ" ở Liên Xô.

Đội trưởng đội cảnh sát bảo vệ điện Kremlin ngay lập tức báo cáo với cấp trên của mình về chuyện động trời này. Lúc đầu người ta không tin, nhưng sau đó đúng 10 phút thì Rust bị bắt và khoảng 2 giờ đồng hồ sau, chàng trai 19 tuổi Rust bị áp giải vào phòng điều tra của Cơ quan an ninh liên bang (KGB).

Chuyện xảy ra đã là đề tài tiếu lâm của nhiều người, nhưng không phải ai cũng có thể cười được. Ngay ngày hôm sau - 29/5, các quốc gia thuộc Khối Warsaw đã họp khẩn cấp để soạn thảo lại chiến lược phòng thủ mà một trong những điểm cốt yếu là đảm bảo tính chiến đấu cao của hệ thống phòng không.

Sau vụ này, hàng loạt tướng lĩnh của Liên Xô bị sa thải. Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Sokolov, 75 tuổi ngay lập tức bị cho về hưu. Tư lệnh lực lượng phòng không không quân Liên Xô Aleksandr Koldunov - người đã bắn rơi 46 máy bay Đức trong Thế chiến 2 - bị cách chức (ông qua đời năm 1992).

Ngoài ra, gần 1.000 tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp trong lực lượng này cũng bị mất chức. Thượng tá Karpes - sư đoàn trưởng sư đoàn phòng không không quân biên giới nhận 5 năm tù, còn trợ lý của ông - thiếu tá Chenukh, chịu mức án 4 năm tù.

Và chắc chắn rằng Nga không bao giờ muốn một kịch bản tương tự xảy ra, đây chính là lý do khiến bộ 3 phòng thủ S-400, A-135 và S-500 cùng hợp sức bảo vệ thủ đô Moskva, báo Ấn Độ cho biết.

Theo Đan Nguyên

Đất Việt