1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga, Ukraine "đấu khẩu" tại Liên hợp quốc về vụ vỡ đập

Minh Phương

(Dân trí) - Nga và Ukraine đổ lỗi cho nhau về vụ vỡ đập Kakhovka ở Kherson, vốn gây ngập lụt nghiêm trọng và có thể kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng khác.

Nga, Ukraine đấu khẩu tại Liên hợp quốc về vụ vỡ đập - 1

Đại sứ Ukraine Sergiy Kyslytsya và Đại sứ Nga Vassily Nebenzia - từ trái sang (Ảnh: Reuters).

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 6/6 đã họp khẩn cấp theo đề nghị của cả Nga và Ukraine liên quan đến vụ vỡ đập Kakhovka ở Kherson, miền Nam Ukraine.

Tại cuộc họp, Đại sứ Nga Vassily Nebenzia đổ lỗi cho Ukraine cố tình làm vỡ đập để tạo "cơ hội thuận lợi" cho việc tái tập hợp lực lượng tiếp tục phản công.

"Việc phá hoại có chủ ý do Kiev thực hiện nhằm vào một cơ sở hạ tầng quan trọng là cực kỳ nguy hiểm và về cơ bản có thể coi là tội ác chiến tranh hoặc hành động khủng bố", ông Nebenzia nói. Tuy nhiên, nhà ngoại giao Nga không đưa ra bằng chứng cụ thể cho cáo buộc này.

Đáp lại, Đại sứ Ukraine Sergiy Kyslytsya cáo buộc Nga thực hiện "hành động khủng bố" nhằm vào hạ tầng trọng yếu của Ukraine.

"Về mặt vật lý, không thể làm nổ tung con đập từ bên ngoài bằng cách pháo kích. Chính những người đang kiểm soát nó đã kích nổ", ông Kyslytsya lập luận.

Nga giành quyền kiểm soát đập Kakhovka không lâu sau khi mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Hai bên nhiều lần cáo buộc lẫn nhau có ý định phá hủy con đập nhằm ngăn đà tiến công của đối phương.

Nga, Ukraine đấu khẩu tại Liên hợp quốc về vụ vỡ đập - 2

Vị trí đập thủy điện Kakhovka (Đồ họa: Reuters).

Đập Kakhovka nằm trên sông Dnipro, cách thành phố Kherson khoảng 30km về phía đông. Đập được xây dựng vào năm 1956, cao khoảng 30m, rộng hàng trăm mét. Nó là một phần của nhà máy thủy điện Kakhovka.

Con đập cung cấp nước cho Crimea, bán đảo đã sáp nhập vào Nga năm 2014, cũng như cho nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia mà Moscow kiểm soát từ năm ngoái.

Vụ vỡ đập gây ngập lụt nghiêm trọng cho các khu dân cư ở hạ nguồn. AP dẫn số liệu từ Liên hợp quốc cho biết, ít nhất 16.000 người đã rơi vào cảnh mất nhà cửa. Hoạt động sơ tán dân trong vùng ảnh hưởng đang tiếp tục.

Nhiều nước và lãnh đạo quốc tế bày tỏ quan ngại sâu sắc về vụ vỡ đập, cảnh báo nguy cơ xảy ra một thảm họa môi trường, sinh thái.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết, cơ quan này chưa có thông tin độc lập về vụ vỡ đập, nhưng vụ việc cho thấy hậu quả nghiêm trọng của xung đột Ukraine.

Trả lời câu hỏi liệu Mỹ đã xác định được bên nào chịu trách nhiệm về vụ vỡ đập hay chưa, Phó Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Robert Wood nói: "Chúng tôi không chắc chắn. Chúng tôi hy vọng sẽ có thêm thông tin trong những ngày tới". Tuy nhiên, nhà ngoại giao Mỹ lập luận: "Không có lý do gì để Ukraine làm điều này với chính lãnh thổ và người dân của họ, nhấn chìm một vùng đất rộng lớn, buộc hàng chục nghìn người phải sơ tán. Điều đó rất vô lý".

Đại diện của Pháp, Anh tại Liên hợp quốc đều không trực tiếp nói họ có bằng chứng Nga phải chịu trách nhiệm về thảm kịch này, song kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra làm sáng tỏ.

Cuối năm ngoái, Viện nghiên cứu chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ từng cho rằng, Nga có lợi ích lớn hơn và rõ ràng hơn trong việc làm ngập lụt hạ lưu sông Dnipro mặc dù điều đó cũng gây thiệt hại cho các vị trí phòng thủ của họ.

"Nga có thể lợi dụng tình trạng ngập lụt để mở rộng sông Dnipro, gây khó khăn cho nỗ lực phản công của Ukraine trên vùng nước vốn đã đầy thách thức", báo cáo hồi tháng 10/2022 của ISW nhận định.

Theo Reuters, Guardian