1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nga tuyên bố sở hữu khả năng răn đe hạt nhân cho kỷ nguyên AI

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nhà ngoại giao cấp cao Nga tiết lộ nước này đã có những tiến bộ về khả năng răn đe hạt nhân có thể đảm bảo an ninh trong hàng chục năm tới.

Nga tuyên bố sở hữu khả năng răn đe hạt nhân cho kỷ nguyên AI - 1

Tên lửa Nga trong một cuộc duyệt binh (Ảnh: Reuters).

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov hôm 25/6 cho biết nước này đã đạt được những tiến bộ trong năng lực răn đe hạt nhân, cho phép Moscow đảm bảo an ninh trong nhiều thập kỷ tới ngay cả trong thời đại bị chi phối bởi những tiến bộ về trí tuệ nhân tạo (AI).

Khi được hỏi tại một hội nghị ở Moscow liệu Nga có thể đảm bảo an ninh hạt nhân trong thời đại AI đang bùng nổ hay không, ông Ryabkov khẳng định là có.

Ông Ryabkov, nhà ngoại giao hàng đầu về lĩnh vực kiểm soát vũ khí của Nga, cho biết: "Trong những năm gần đây, Nga đã tạo ra nền tảng trong lĩnh vực răn đe hạt nhân, điều này sẽ cho phép chúng tôi đảm bảo an ninh của chính mình trong nhiều thập kỷ tới".

Ngoài ra, ông Ryabkov cũng đề cập tới mối quan hệ với Mỹ, mà nhiều nhà ngoại giao cho rằng, đang ở mức thấp nhất kể từ Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.

Ông cảnh báo nếu phương Tây đánh giá thấp quyết tâm của Moscow, có thể dẫn đến hậu quả "bi thảm và chí mạng" vì Mỹ và các đồng minh đang đối đầu với một cường quốc hạt nhân lớn là Nga.

Ông Ryabkov cho rằng phương Tây đã đánh giá thấp "sự sẵn sàng của Nga trong việc đứng lên bảo vệ chính mình và đảm bảo lợi ích của mình trong mọi tình huống".

Mặc dù vậy, ông khẳng định, nhiệm vụ chung của các nước trên thế giới là ngăn xảy ra kịch bản hỗn loạn hạt nhân.  

Trước đó, Alexei Arbatov, chuyên gia kiểm soát vũ khí nổi tiếng, cảnh báo nếu Nga và Mỹ không có đối thoại về ổn định chiến lược, thế giới đa cực có thể rơi vào hỗn loạn hạt nhân.

Ông Arbatov kêu gọi Nga và Mỹ nên nối lại đối thoại về ổn định chiến lược sau khi cuộc chiến ở Ukraine kết thúc, đồng thời duy trì hiệp ước START mới, và đồng ý một thỏa thuận kiểm soát vũ khí mới.

Sau đó, ông Arbatov cho biết, Trung Quốc, Anh và Pháp có thể tham gia đối thoại chiến lược.

Hôm 24/6, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố Nga bắt đầu cập nhật học thuyết hạt nhân của nước này.

Theo học thuyết hiện tại, Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân, hoặc trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công thông thường gây ra mối đe dọa cho sự sống còn của nước Nga.

Ông Andrey Kartapolov, Chủ tịch ủy ban quốc phòng của Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga, cũng nói rằng học thuyết hạt nhân của Nga có thể được điều chỉnh để ứng phó với bất kỳ mối đe dọa nào nhằm vào Moscow.

Theo Reuters

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm