Nga tuyên bố sẽ không thể bị đánh bại sau khi sửa học thuyết hạt nhân
(Dân trí) - Quan chức cấp cao Nga nói rằng nước này sẽ không thể thất bại trên chiến trường sau khi Tổng thống Vladimir Putin sửa học thuyết hạt nhân.
Nga sẽ trả đũa các nước NATO tạo điều kiện cho Ukraine tấn công tên lửa tầm xa vào lãnh thổ Nga, giám đốc cơ quan tình báo nước ngoài Sergei Naryshkin cảnh báo hôm 20/11.
Ông Naryshkin cho biết những thay đổi mà Tổng thống Vladimir Putin phê duyệt đối với học thuyết hạt nhân của Nga có nghĩa là về cơ bản Moscow sẽ không thể bị đánh bại trên chiến trường.
"Đối thủ của chúng ta buộc phải thừa nhận rằng quyết tâm của Tổng thống Nga trong việc bảo vệ vững chắc các lợi ích cơ bản của đất nước bằng mọi biện pháp có thể đã thu hẹp không gian hành động của Mỹ và NATO", ông nói với tạp chí National Defence.
"Những nỗ lực của mỗi đồng minh NATO nhằm tham gia cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine tấn công sâu trong lãnh thổ Nga sẽ không thoát khỏi sự trừng phạt", ông nhấn mạnh.
Moscow ngày 19/11 cáo buộc Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS của Mỹ viện trợ để tấn công lãnh thổ Nga, tận dụng việc chính quyền Tổng thống Joe Biden đã "bật đèn xanh" cho động thái này trước đó.
"Giới tinh hoa quân sự - chính trị phương Tây đang ngày càng nhận thức rõ hơn về mức độ nghiêm túc trong ý định của Nga và họ sẽ cần kiềm chế hơn để tránh tham gia vào một cuộc xung đột quân sự trực tiếp với Nga, điều có thể dẫn đến hậu quả thảm khốc cho họ", ông Naryshkin cho biết.
Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết họ chưa thấy lý do gì để điều chỉnh học thuyết hạt nhân của nước này. Nhưng ông Naryshkin cho biết những thay đổi của Nga, mà ông Putin lần đầu công bố vào tháng 9, đã khiến phương Tây thận trọng.
"Họ hiểu rằng những điều chỉnh do ông Putin công bố làm suy yếu nỗ lực của Mỹ và NATO nhằm gây ra thất bại chiến lược cho Nga, và việc mở rộng điều kiện để sử dụng vũ khí hạt nhân theo kế hoạch mới thực sự loại trừ khả năng Lực lượng vũ trang Nga bị đánh bại trên chiến trường", ông nói.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 19/11 đã phê chuẩn học thuyết hạt nhân sửa đổi, cho phép hạ ngưỡng răn đe hạt nhân để đáp trả một loạt các cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường.
Theo học thuyết, hoạt động răn đe hạt nhân sẽ nhằm vào "một đối thủ tiềm tàng, có thể bao gồm các quốc gia riêng lẻ và các liên minh quân sự (khối, liên minh) coi Nga là đối thủ tiềm tàng và sở hữu vũ khí hạt nhân và/hoặc vũ khí hủy diệt hàng loạt khác, hoặc có năng lực chiến đấu đáng kể của các lực lượng đa nhiệm".
Học thuyết quy định Nga cũng sẽ tiến hành răn đe hạt nhân đối với các quốc gia cung cấp lãnh thổ, hải phận, không phận và tài nguyên của họ để tấn công Nga.
Học thuyết sửa đổi nêu rõ, bất kỳ cuộc tấn công nào của một cường quốc phi hạt nhân được hỗ trợ bởi một cường quốc hạt nhân sẽ bị coi là cuộc tấn công chung nhằm vào Nga. Bất kỳ cuộc tấn công nào của một thành viên trong khối quân sự cũng sẽ bị coi là cuộc tấn công của toàn bộ liên minh.
Theo học thuyết, Tổng thống Nga là người có thẩm quyền tối cao về việc sử dụng vũ khí hạt nhân.