1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga có thể đáp trả bằng vũ khí hạt nhân nếu Ukraine dùng tên lửa phương Tây

Thành Đạt

(Dân trí) - Điện Kremlin tuyên bố học thuyết hạt nhân mới cho phép Moscow tiến hành cuộc tấn công hạt nhân để đáp trả việc Ukraine sử dụng tên lửa do phương Tây sản xuất để chống lại Nga.

Nga có thể đáp trả bằng vũ khí hạt nhân nếu Ukraine dùng tên lửa phương Tây - 1

Một vụ phóng tên lửa của Nga (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga).

"Học thuyết hạt nhân mới cũng quy định Liên bang Nga có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp có hành vi xâm lược, bằng cách sử dụng vũ khí thông thường chống lại Nga và (hoặc) Cộng hòa Belarus với tư cách là thành viên của Nhà nước Liên bang, tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đến chủ quyền và (hoặc) toàn vẹn lãnh thổ của hai nước", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố hôm 19/11.

Khi được hỏi liệu Nga có coi việc lực lượng vũ trang Ukraine sử dụng tên lửa thông thường do phương Tây sản xuất để tấn công lãnh thổ Nga tương tự cuộc tấn công của một quốc gia phi hạt nhân với sự hỗ trợ của một quốc gia hạt nhân hay không và liệu điều này có thể kích hoạt phản ứng hạt nhân của Nga hay không, ông Peskov nói: "Đúng vậy, học thuyết quy định như vậy".

Ông Peskov nhấn mạnh các điều khoản của học thuyết hạt nhân rằng "hành động xâm lược chống lại Liên bang Nga của bất kỳ quốc gia phi hạt nhân nào với sự tham gia hoặc hỗ trợ của một quốc gia hạt nhân được coi là cuộc tấn công chung của họ".

Tuyên bố của người phát ngôn Điện Kremlin được đưa ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh phê chuẩn học thuyết hạt nhân đã sửa đổi, có tên gọi "Nền tảng của Chính sách Nhà nước về Răn đe Hạt nhân".

Theo học thuyết, hoạt động răn đe hạt nhân sẽ nhằm vào "một đối thủ tiềm tàng, có thể bao gồm các quốc gia riêng lẻ và các liên minh quân sự (khối, liên minh) coi Nga là đối thủ tiềm tàng và sở hữu vũ khí hạt nhân và/hoặc vũ khí hủy diệt hàng loạt khác, hoặc có năng lực chiến đấu đáng kể của các lực lượng đa nhiệm".

Học thuyết quy định Nga cũng sẽ tiến hành răn đe hạt nhân đối với các quốc gia cung cấp lãnh thổ, hải phận, không phận và tài nguyên của họ để tấn công Nga.

Theo học thuyết, Tổng thống Nga là người có thẩm quyền tối cao về việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Hành động tấn công từ bất kỳ quốc gia phi hạt nhân nào, nhưng có sự tham gia hoặc hậu thuẫn của một quốc gia hạt nhân, sẽ được coi là một cuộc tấn công chung vào Nga.

Ngoài ra, phản ứng hạt nhân được coi là có thể xảy ra nếu có mối đe dọa nghiêm trọng đến chủ quyền của Nga, ngay cả từ vũ khí thông thường, bao gồm cả cuộc tấn công vào Belarus như một phần của Nhà nước Liên bang, hoặc một vụ phóng hàng loạt máy bay chiến đấu, tên lửa hành trình, máy bay không người lái hoặc các máy bay khác vượt qua biên giới Nga.

Theo người phát ngôn Điện Kremlin, việc cập nhật học thuyết là cần thiết để phù hợp với bối cảnh chính trị hiện tại.

Quan chức Điện Kremlin tái khẳng định rằng Nga luôn duy trì lập trường có trách nhiệm và thực hiện các bước cần thiết để giảm thiểu mối đe dọa hạt nhân và ngăn chặn sự suy yếu của quan hệ quốc tế. Ông nhấn mạnh rằng vũ khí hạt nhân chỉ được Nga coi là biện pháp cuối cùng.

Ông Peskov nhấn mạnh các đối thủ tiềm tàng của Nga phải hiểu rằng "sự đáp trả là không thể tránh khỏi" đối với bất kỳ hành động gây hấn nào chống lại Nga và các đồng minh của Nga.

Học thuyết hạt nhân sửa đổi của Nga được phê duyệt sau khi Tổng thống Joe Biden được cho là đã đồng ý để Ukraine triển khai tên lửa tầm xa của Mỹ tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga. Ngoài Mỹ, 2 đồng minh của Washington là Anh và Pháp cũng đồng ý cho Kiev sử dụng vũ khí tầm xa trong cuộc đối đầu với Nga.

Các quan chức Nga tuyên bố việc cho phép Ukraine bắn tên lửa của Mỹ vào lãnh thổ Nga đồng nghĩa với sự tham gia trực tiếp của Mỹ vào cuộc xung đột, từ đó làm leo thang chiến tranh.

Theo Tass