1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga - Trung vướng rào cản khi muốn hợp lực đối phó Mỹ

(Dân trí) - Nga và Trung Quốc ngày càng thúc đẩy mối quan hệ hợp tác chiến lược trên nhiều lĩnh vực nhằm đối phó với sức ép từ Mỹ, song giữa hai nước vẫn tồn tại những rào cản nhất định trước khi thành lập một liên minh thực sự.

Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình ký kết văn kiện trong cuộc gặp tại Moscow năm 2017 (Ảnh: AFP)
Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình ký kết văn kiện trong cuộc gặp tại Moscow năm 2017 (Ảnh: AFP)

Nga đã thể hiện mối quan tâm địa chính trị của mình thông qua một loạt sự kiện có sự tham gia của Trung Quốc tại vùng lãnh thổ của Nga vào tuần trước, từ cuộc phô diễn các khí tài quân sự, cho tới hội nghị thượng đỉnh, thậm chí cả màn nấu ăn và nâng ly giữa hai nhà lãnh đạo.

Thông qua hai sự kiện riêng biệt được tổ chức gần như cùng thời điểm, gồm Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) tại Vladivostok và tập trận quân sự Vostok-2018, Nga và Trung Quốc đã phát tín hiệu tới phương Tây rằng hai nước đang ngày càng thắt chặt quan hệ trong việc đối phó với “chủ nghĩa đơn phương” của Mỹ.

Các lệnh áp thuế thương mại của Mỹ với Trung Quốc và các lệnh trừng phạt bổ sung của Washington với Nga đã đưa Bắc Kinh và Moscow xích lại gần nhau. Chính sách bảo hộ của Tổng thống Donald Trump đối với Mỹ đã tạo cơ hội để Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình tự xây dựng hình ảnh bản thân như những “người hùng” của xu thế toàn cầu hóa và hợp tác song phương.

Trước thềm một loạt sự kiện diễn ra vào tuần trước, Đại sứ Trung Quốc tại Nga Li Hui đã nói với Tân Hoa Xã rằng mối quan hệ Nga - Trung đang ở giai đoạn “tốt nhất trong lịch sử”. Bài viết đăng trên Tân Hoa Xã đã ca ngợi Chủ tịch Tập Cận Bình là người đề xướng hợp tác khu vực trong bối cảnh “xu thế bảo hộ và chống toàn cầu hóa” đang lan rộng. Ngoài ra, bài viết cũng khẳng định vai trò của ông Tập trong việc thúc đẩy một kỷ nguyên ngoại giao mới với Nga.

Chủ tịch Tập Cận Bình được cho là đã nói với kênh truyền hình CCTV của Trung Quốc rằng Moscow và Bắc Kinh cần “phản đối chủ nghĩa đơn phương và bảo hộ thương mại, đồng thời cùng nhau xây dựng một kiểu quan hệ quốc tế mới”.

Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình đã gặp nhau hai lần vào mùa hè năm nay, một lần tại Bắc Kinh, Trung Quốc trong khuôn khổ hội nghị của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) hồi tháng 6 và lần thứ hai tại thành phố Johannesburg, Nam Phi trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) hồi tháng 7.

Trong cuộc gặp tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) hôm 11/9, ông Tập Cận Bình đã nói về “sự độc nhất vô nhị” của quan hệ song phương Nga - Trung, đồng thời khẳng định hai nước vẫn dành sự ưu tiên cho việc gìn giữ mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp. Diễn đàn EEF được tổ chức thường niên từ năm 2015 và là một phần trong nỗ lực của Nga nhằm phát triển quan hệ với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tái định hình quan hệ song phương

Hai nhà lãnh đạo Nga - Trung dự phiên thảo luận của Diễn đàn Kinh tế phương Đông ở Vladivostok ngày 12/9 (Ảnh: AFP)
Hai nhà lãnh đạo Nga - Trung dự phiên thảo luận của Diễn đàn Kinh tế phương Đông ở Vladivostok ngày 12/9 (Ảnh: AFP)

Thái độ nồng ấm của Chủ tịch Tập Cận Bình dành cho Tổng thống Putin tại EEF cũng như việc quân đội Trung Quốc tham gia trực tiếp vào Vostok-2018, cuộc tập trận lớn nhất của Nga từ sau Chiến tranh Lạnh, là tín hiệu cho thấy lãnh đạo hai nước đang tái định hình mối quan hệ song phương.

Theo nhận định của phương Tây trước đây, mối quan hệ gần gũi giữa Nga và Trung Quốc thực chất chỉ là kiểu liên minh bề nổi do hai nước vẫn tồn đọng nhiều vấn đề lịch sử cũng như căng thẳng trong việc cạnh tranh ảnh hưởng trong khu vực. Tuy vậy, xét trong bối cảnh địa chính trị hiện thời với cấu trúc quan hệ quốc tế thay đổi, Nga và Trung Quốc sẽ được lợi nhiều hơn nếu hợp tác với nhau.

“Đúng là Nga và Trung Quốc có một số bất đồng và cạnh tranh ở khu vực Trung Á thời Liên Xô trước đây. Tuy nhiên những bất đồng và các cuộc xung đột trong quá khứ giữa Moscow và Bắc Kinh không nên bị thổi phồng. Điều quan trọng hơn là lập trường chung của hai nước trong việc phản đối trật tự toàn cầu do Mỹ dẫn đầu. Nga đã không thể đảo ngược được trật tự này sau cuộc khủng hoảng Ukraine vào năm 2014. Bây giờ Trung Quốc cũng đang vướng vào một cuộc xung đột mang tính hệ thống với kiểu trật tự như vậy và đây được xem là nguyên nhân dẫn tới cuộc chiến thương mại hiện thời”, Vassily Kashin, chuyên gia về Đông Á tại Viện Khoa học Nga, nói với trang tin DW.

Lợi ích riêng biệt

Một thời điểm bước ngoặt cho quan hệ Nga - Trung là vào năm 2014 khi mối quan hệ giữa Moscow và phương Tây bắt đầu xấu đi sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea vào lãnh thổ. Nga đã đề xuất bán các vũ khí hiện đại cho Trung Quốc, bao gồm cả máy bay chiến đấu và tên lửa đất đối không. Tới tháng 5/2014, Nga và Trung Quốc đã ký tuyên bố chung về “các giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác chiến lược và đối tác toàn diện”.

Theo báo cáo do chuyên gia chính sách đối ngoại Mỹ Angela Stent công bố năm 2016, Trung Quốc đã bảo vệ Nga nhằm tránh khỏi những tác động toàn diện của các lệnh trừng phạt khi phương Tây tìm cách cô lập Moscow. Tuy nhiên, chuyên gia James D.J. Brown, giáo sư ngành khoa học chính trị tại Đại học Temple ở Tokyo, nhận định mối quan hệ Nga - Trung bị giới hạn bởi các lợi ích quốc gia của từng bên.

“Mỗi bên sẽ chỉ hỗ trợ bên còn lại chừng nào vẫn nhận thấy có lợi ích quốc gia của mình trong việc hỗ trợ đó”, chuyên gia Brown nói với DW.

“Khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014, Trung Quốc không ra mặt thể hiện sự ủng hộ (Moscow). Nếu làm như vậy, Trung Quốc sẽ hứng chịu sự chỉ trích của phương Tây. Trung Quốc chỉ sẵn sàng đương đầu với sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế nếu họ thấy rằng họ có lợi ích khi làm như vậy”, ông Brown nói, đồng thời cho biết Trung Quốc không ủng hộ nhưng cũng không phản đối hành động của Nga.

Theo chuyên gia Stent, ngay cả khi Trung Quốc và Nga phản đối trật tự toàn cầu với vai trò lãnh đạo của Mỹ, họ cũng chưa đạt được sự đồng thuận về việc “trật tự thế giới trong tương lai sẽ như thế nào”.

Mối quan hệ đặc biệt

Ông Putin và ông Tập cùng nhau làm bánh tại Nga trong chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc tới Vladivostok (Ảnh: Reuters)
Ông Putin và ông Tập cùng nhau làm bánh tại Nga trong chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc tới Vladivostok (Ảnh: Reuters)

Chủ nghĩa thực dụng vẫn là rào cản chính trên con đường thành lập liên minh lâu dài giữa Nga và Trung Quốc và liên minh này có thể được củng cố như một khối tương tự NATO. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là quan hệ liên minh giữa Nga và Trung Quốc không thể phát triển mạnh mẽ hơn.

“Mối quan hệ này có thể sẽ vẫn kéo dài. Điều này xuất phát từ việc cả Nga và Trung Quốc đều phải đối mặt với sự căng thẳng trong quan hệ với Mỹ, từ đó cho phép hai nước bỏ qua một bên những bất đồng”, chuyên gia Brown nhận định.

Theo ông Brown mối quan hệ chiến lược ngày càng tăng giữa Nga và Trung Quốc là mối quan hệ “gần giống như liên minh”. Mối quan hệ này thiếu đi những yếu tố để hai nước có thể hợp nhất các lợi ích chiến lược.

“Đối với một mối quan hệ là liên minh thực sự, cần phải có cam kết về phòng vệ tập thể”, ông Brown nói, đề cập tới kiểu phòng vệ mà một bên sẽ bảo vệ bên còn lại trong trường hợp bị tấn công. Tuy vậy, chuyên gia này cho rằng hiện tại giữa Nga và Trung Quốc chưa có cam kết an ninh kiểu như vậy. Theo đó, ngay cả khi hợp tác an ninh song phương được tăng cường tới mức chưa từng có tiền lệ, mối quan hệ Nga - Trung vẫn chưa được coi là liên minh thực sự.

“Hiện tại, có vẻ như không nước nào muốn mạo hiểm khi vướng vào các cuộc xung đột của nước còn lại”, ông Brown nói về quan hệ Nga - Trung trong trường hợp xảy ra xung đột.

Thành Đạt

Theo DW