Nga triển khai tên lửa gần Syria, Mỹ tuyên bố sẵn sàng ứng phó
(Dân trí) - Hải quân Mỹ tuyên bố sẵn sàng bảo vệ các lợi ích của Washington trong khu vực sau khi Tổng thống Vladimir Putin thông báo các tàu chiến Nga mang tên lửa sẽ trực chiến 24/7 trên biển Địa Trung Hải.
“Lực lượng hải quân của chúng tôi luôn sẵn sàng và chuẩn bị để ứng phó. Tuy nhiên, chúng tôi không tìm cách gây xung đột với các lực lượng khác đang hoạt động trong khu vực”, Chuẩn Đô đốc James Foggo III, Tư lệnh Lực lượng Hải quân Mỹ tại châu Âu và châu Phi, nói với Sputnik ngày 17/5.
Phát biểu của Đô đốc Foggo được đưa ra sau khi Tổng thống Vladimir Putin thông báo các tàu chiến mang tên lửa hành trình Kalibr của Nga sẽ được triển khai tới Địa Trung Hải và trực chiến ở khu vực này 24/7. Mục tiêu của Nga là nhằm đối phó với mối đe dọa từ các phần tử khủng bố ở Syria.
Tổng thống Putin nhấn mạnh các chiến dịch tác chiến hoặc các cuộc tập trận của Nga trên biển cần được tiếp tục thực hiện. Theo nhà lãnh đạo Nga, các tàu chiến và tàu ngầm Nga đang triển khai khoảng 102 chiến dịch.
Bản đồ Syria (Đồ họa: BBC)
Tư lệnh của Hải quân Mỹ cho biết Washington sẽ làm việc với các đối tác và đồng minh để ngăn chặn nguy cơ chiến tranh và duy trì các nguyên tắc để đảm bảo trật tự quốc tế mở. Ông Foggo cũng khẳng định sự hiện diện chiến lược của Mỹ trong khu vực nhằm đáp trả những mối đe dọa nhằm vào các đồng minh và đối tác của Washington.
Từ ngày 13/3, Nga đã triển khai tàu khu trục Đô đốc Essen được trang bị các tên lửa hành trình Kalibr-NK tới Địa Trung Hải thực hiện nhiệm vụ. Trong chiến dịch năm 2017, tàu này đã phóng các tên lửa hành trình từ Địa Trung Hải nhằm vào các mục tiêu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria.
Tên lửa hành trình Kalibr lần đầu thực chiến khi Nga tấn công các mục tiêu khủng bố ở Syria vào năm 2015. Kalibr có thể hoạt động hiệu quả trong nhiều điều kiện thời tiết và mang nhiều đầu đạn phù hợp với từng loại mục tiêu. Giới chuyên gia quân sự đánh giá tên lửa này có hiệu suất tương đương tên lửa Tomahawk của Mỹ.
Thành Đạt
Theo Sputnik