1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nga "tố" Mỹ tìm cách hướng đồng minh Armenia theo con đường giống Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Tình báo Nga cáo buộc Mỹ đang tìm cách hướng Armenia, đồng minh lâu năm của Moscow, theo con đường giống như một số nước Liên Xô cũ, ví dụ như Ukraine.

Nga tố Mỹ tìm cách hướng đồng minh Armenia theo con đường giống Ukraine - 1

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin năm 2022 (Ảnh: Văn phòng thủ tướng Armenia).

Mỹ đang tìm cách đưa quốc gia Liên Xô cũ Armenia đi theo con đường thân phương Tây bằng các chiến lược đã được thử nghiệm ở Ukraine và Moldova, Cơ quan Tình báo Nước ngoài của Nga (SVR) cáo buộc.

"Washington thấy rằng việc tăng cường ảnh hưởng của mình đối với giới tinh hoa chính trị Armenia là điều quan trọng để khuyến khích Yerevan thực hiện lộ trình thân phương Tây càng sớm càng tốt, bất chấp những khó khăn tiềm ẩn. Mỹ đang có kế hoạch áp dụng các phương pháp mà họ đã sử dụng ở Ukraine và Moldova cho mục đích đó", SVR cho biết.

Nga nghi ngờ, các cơ quan "ủng hộ dân chủ" của Mỹ trực thuộc Bộ Ngoại giao nước này đã được giao nhiệm vụ gây ảnh hưởng tới các quan chức chính phủ Armenia chủ chốt và đưa các cố vấn nước ngoài nhằm hướng Yerevan theo đuổi các lợi ích từ phương Tây.

SVR cáo buộc, mục tiêu của Mỹ là làm cho các quy trình xã hội và chính trị ở Armenia trở nên "chống lại Nga càng nhiều càng tốt".

"Washington có ý định tiến hành một chiến dịch thông tin và tuyên truyền dài hạn, nhằm làm mất uy tín triển vọng hợp tác giữa Yerevan và Nga, EAEU (Liên minh Kinh tế Á - Âu) và CSTO (Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể)", SVR cáo buộc, nhưng không nêu ra bằng chứng cụ thể.

Cả Armenia và Mỹ chưa bình luận về thông tin này.

Trong thời gian qua, quan hệ giữa Nga và đồng minh truyền thống Armenia trở nên căng thẳng.

Armenia tỏ ra không hài lòng với Nga vì cho rằng Moscow chưa có các động thái đủ mạnh mẽ hỗ trợ đồng minh CSTO trong cuộc xung đột với Azerbaijan ở vùng Karabakh. Đây là khu vực được cộng đồng quốc tế công nhận là thuộc về Azerbaijan nhưng từng có phần lớn người dân là người gốc Armenia sinh sống.

Armenia cho biết họ nhiều lần bị Moscow làm thất vọng và muốn xây dựng quan hệ gần gũi hơn với phương Tây. Tuy nhiên, Armenia từng nhấn mạnh họ không có kế hoạch gia nhập NATO. 

Vào tháng 8, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cho biết nước này đã tạm đình chỉ sự tham gia của mình vào Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) "ở mọi cấp độ", nhưng nhấn mạnh quyết định trên có thể thay đổi.

Hồi tháng 7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết việc Armenia xích lại gần NATO gây ra sự hối tiếc và lo ngại, đồng thời cảnh báo hành động của Yerevan có nguy cơ gây ra bất ổn cho khu vực Nam Caucasus.

Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cáo buộc chính quyền Armenia tìm cách "bóp méo lịch sử" trong nỗ lực phá vỡ quan hệ với Moscow. Ông thừa nhận không mấy lạc quan về quan hệ với Armenia.

Ông Lavrov cho biết Armenia không đề cập đến sự hỗ trợ mà họ nhận được từ CSTO và cho biết Nga đã nhiều lần bảo vệ lợi ích của Armenia trong những tình huống khó khăn.

Vào tháng 4, Nga cảnh báo nguy cơ đồng minh thân cận Armenia "lạc lối" vì tăng cường hợp tác với phương Tây.

"Sự can thiệp vô trách nhiệm của các lực lượng ngoài khu vực vào Nam Caucasus, sự thôi thúc gây chia rẽ giữa các quốc gia trong khu vực và các nước láng giềng của họ có thể gây ra những tác động tiêu cực đối với sự ổn định, an ninh và tăng trưởng kinh tế trong khu vực, tạo ra những chia rẽ mới, cũng như sự leo thang căng thẳng không kiểm soát được", Bộ Ngoại giao Nga cho biết.

Theo Tass

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm