1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga tiết lộ tính năng đặc biệt khiến tên lửa Sarmat không thể bị đánh chặn

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nga cho biết, tên lửa đạn đạo RS-28 Sarmat của nước này sở hữu một tính năng độc đáo khiến cho nó có thể vượt mặt các hệ thống phòng thủ đối phương.

Nga tiết lộ tính năng đặc biệt khiến tên lửa Sarmat không thể bị đánh chặn - 1

Tên lửa RS-28 Sarmat (Ảnh: RT).

Vladimir Degtyar, nhà thiết kế trưởng tại Phòng thiết kế tên lửa Makeyev - nơi phát triển RS-28 Sarmat, đã tiết lộ tính năng đặc biệt của vũ khí này.

Theo đó, hệ thống kiểm soát của Sarmat được thiết kế cho phép tên lửa này có thể tiếp tục hành trình ngay cả khi bị hỏa lực phòng không đối thủ đánh trúng.

"Hệ thống điều khiển của Sarmat có khả năng điều chỉnh quỹ đạo bằng cách sử dụng GLONASS, giúp đảm bảo khả năng nhằm mục tiêu với độ chính xác cao, kể cả sau khi bị tên lửa phòng không đối thủ tác động", ông Degtyar tiết lộ trong cuộc phỏng vấn với Sputnik.

GLONASS là hệ thống định vị toàn cầu của Nga dựa trên vệ tinh tương tự GPS của Mỹ.

Theo quan chức trên, với tầm tấn công 18.000km, Sarmat có thể nhằm vào mọi mục tiêu trên hành tinh.

"Khả năng tăng tốc nhanh khiến Sarmat có thể đánh bại hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương trong giai đoạn chủ động", ông Degtyar cho hay.

Ngoài ra, đối thủ không thể tính toán chính xác quỹ đạo của đầu đạn tên lửa Sarmat và rất khó phát hiện ra chúng, vì chúng được trang bị thiết bị đặc biệt được thiết kế để 'tàng hình" khi bay cả trong bầu khí quyển Trái đất và bên ngoài nó, quan chức Nga cho biết.

Ông Degtyar, người có hơn 50 năm kinh nghiệm thiết kế tên lửa, nhận định rằng Sarmat sẽ "vô hiệu hóa mọi sự phát triển của NATO" với "hiệu suất bay vượt trội" và "các giải pháp khoa học và kỹ thuật cũng như công nghệ hiện đại được sử dụng trong quá trình chế tạo".

Ông Degtyar khẳng định, Sarmat có uy lực vượt trội so với tên lửa tiền nhiệm R-36M2 Voyevoda (NATO định danh là SS-18 Satan) - một thành tố chủ chốt trong bộ ba răn đe hạt nhân của Nga.

Theo quan chức trên, các chuyên gia NATO đã gọi Sarmat là tên lửa "quỷ Satan 2", nhưng ông gọi nó là "Satan bình phương". 

Ông Degtyar tin rằng, một khi hệ thống này được triển khai, Sarmat sẽ trở thành một lá chắn đáng tin cậy cho Nga trước các đối thủ.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố: "Sarmat là tên lửa mạnh nhất với tầm bắn lớn nhất trên thế giới. Nó sẽ tăng cường đáng kể sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang hạt nhân chiến lược Nga".

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, Sarmat có đặc tính kỹ thuật và chiến thuật hàng đầu, có thể xuyên thủ mọi lá chắn phòng không hiện đại. Ông Putin nói rằng, Sarmat là tên lửa "có một không hai" trên thế giới và sẽ khiến các đối thủ của Nga phải suy nghĩ lại trước khi hành động.

Sarmat là tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng mang theo 10 đầu đạn nhiệt hạch lớn hoặc 16 đầu đạn nhỏ hơn hoặc kết hợp cả hai để áp đảo hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương. Mỗi đầu đạn của Sarmat có thể tấn công một mục tiêu riêng biệt.

Ngoài ra, tên lửa Sarmat cũng có khả năng mang tối đa 24 thiết bị phóng siêu thanh Avangard, khiến nó trở thành vũ khí đầy uy lực. Avangard có khả năng bay nhanh gấp 27 lần tốc độ âm thanh.

Nga thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa

Theo Sputnik