1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Uy lực của tên lửa “quỷ Satan-2” thách thức mọi hệ thống phòng thủ

(Dân trí) - Trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhắc tới tên lửa RS-28 Sarmat, hay còn được gọi là “quỷ Satan-2”, tên lửa có thể thách thức mọi hệ thống phòng thủ trên thế giới.

Hình ảnh mô phỏng phóng tên lửa trong thông điệp liên bang của Tổng thống Putin (Ảnh: BBC)
Hình ảnh mô phỏng phóng tên lửa trong thông điệp liên bang của Tổng thống Putin (Ảnh: BBC)

Ngày 1/3, Tổng thống Putin đã có bài phát biểu Thông điệp liên bang được phát trực tiếp trên truyền hình, trong đó ông hé lộ tên lửa hạt nhân “bất khả chiến bại” có tên là RS-28 Sarmat, được NATO mệnh danh là tên lửa “quỷ Satan-2”. Đây là tên lửa được giới quan sát mong chờ vì nó được cho là có thể vô hiệu hóa mọi hệ thống phòng thủ trên thế giới và sức công phá có thể “thổi tung” cả một quốc gia có diện tích ngang Pháp.

RS-28 Sarmat được Nga phát triển từ khoảng những năm 2009 và là phiên bản nâng cấp của tên lửa RS-36M, được NATO gọi theo tên quỷ Satan vào những năm 1970.

Trong đoạn video minh họa được chiếu trong bài phát biểu của Tổng thống Putin, có thể thấy một tên lửa đạn đạo liên lục địa được bắn ra khỏi giếng phóng, bay lên không gian xung quanh thế giới trước khi tách ra thành các đầu đạn nhỏ hơn.

Theo Dự án Phòng thủ Tên lửa Trung ương Mỹ, truyền thông Nga cho biết tên lửa “quỷ Satan-2” có khả năng mang 10 đầu đạn lớn, 16 đầu đạn nhỏ hơn hoặc 24 đầu đạn siêu vượt âm Yu-74.

Điều này có nghĩa là một quả tên lửa Satan-2 có thể có sức công phá tương đương với 8 triệu tấn thuốc nổ TNT, mạnh hơn 400 lần quả bom hạt nhân Mỹ từng ném xuống Nhật Bản năm 1945.

Công nghệ giúp Satan-2 có thể phóng nhiều đầu đạn ra một lúc được gọi là công nghệ đa đầu đạn phân hướng (MIRV). Satan-2 sẽ phân tán ra các đầu đạn sau khi đạt tới vận tốc 24.000 km/h. Tùy thuộc vào chiến thuật, mỗi đầu đạn có thể tấn công các mục tiêu cách hàng trăm km.

Công nghệ phòng thủ "bất khả chiến bại"


Tên lửa Satan của Nga trong một cuộc duyệt binh (Ảnh: News.com.au)

Tên lửa Satan của Nga trong một cuộc duyệt binh (Ảnh: News.com.au)

Hiện tại, các nhà quân sự trên thế giới đã bắt đầu nghiên cứu về công nghệ gọi là “tiêu diệt bằng động năng”. Cơ chế hoạt động của công nghệ này là sử dụng một viên đạn công nghệ cao, kích thước lớn tấn công vào các đầu đạn hạt nhân khi chúng đang bay giữa chừng và vô hiệu hóa mục tiêu.

Tuy nhiên, theo chuyên gia quân sự David Wright, có nhiều cách để “đánh lừa” công nghệ cản phá được đề cập bên trên. Cụ thể, tên lửa Satan-2 được cho là được tích hợp công nghệ dẫn đường tiên tiến và một bộ phận chống tên lửa chuyên dùng để đánh lừa các hệ thống phòng thủ, Chúng có thể bao gồm hàng chục những đầu đạn “mồi nhử”, khối lượng nhẹ nhưng hình dáng giống đầu đạn thật nhằm thu hút sự chú ý của các tên lửa phòng không.

Ngoài ra, ông Wright còn đề cập tới công nghệ mang tên “làm mát đầu đạn” nhằm đánh lừa công nghệ phòng thủ tên lửa bằng thiết bị tầm nhiệt.

Về phía Mỹ, năm 2015, Washington đã cho tên lửa LGM-118A Peacekeeper (người gìn giữ hòa bình) về hưu. Đây là tên lửa sử dụng công nghệ đa đầu đạn phân hướng (MIRV) có kích thước lớn nhất của Mỹ. Peacekeeper có khả năng phân chia ra 10 đầu đạn, mỗi đầu đạn có sức công phá với diện tích ngang bằng một sân bóng bầu dục.

Tuy nhiên, Washington vẫn còn một số tên lửa sử dụng công nghệ MIRV trong kho vũ khí. Có thể kế tới cái tên như tên lửa đạn đạo Trident II hay tên lửa đạn đạo liên lục địa Minuteman III.

Đức Hoàng

Theo Business Insider