1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga thách thức lằn ranh đỏ của NATO

Minh Phương

(Dân trí) - Việc Nga bị cáo buộc làm nhiễu tín hiệu vệ tinh của máy bay chở Bộ trưởng Quốc phòng Anh đầu tuần này, nếu được xác nhận, sẽ là hành động mới nhất của Moscow thách thức những lằn ranh đỏ của NATO.

Nga thách thức lằn ranh đỏ của NATO - 1

Các binh sĩ lái xe tăng Leopard 2A6 trong một cuộc diễn tập của quân đội Thụy Điển và Phần Lan hôm 9/3 (Ảnh: AFP).

Reuters ngày 14/3 dẫn nguồn thạo tin cho hay, máy bay chở Bộ trưởng Quốc phòng Grant Shapps từ Ba Lan về Anh đã bị gây nhiễu tín hiệu khi di chuyển qua lãnh thổ Nga.

"Tín hiệu vệ tinh GPS đã bị chặn khoảng 30 phút khi máy bay của ông Shapps di chuyển qua vùng Kaliningrad của Nga. Điện thoại di động cũng không thể kết nối internet trong thời gian này, tổ bay đã buộc phải sử dụng các phương pháp thay thế để định vị", nguồn tin cho hay.

Một nguồn tin giấu tên của Bộ Quốc phòng Anh cho biết, Không quân Hoàng gia "đã chuẩn bị tốt để đối phó với vấn đề này", nhưng cho rằng những sự việc như vậy sẽ gây ra "rủi ro không cần thiết đối với máy bay dân sự".

Bộ Quốc phòng Anh và Bộ Ngoại giao Nga chưa đưa ra bình luận chính thức về thông tin trên.

Vụ việc không phải là lần đầu tiên, cũng không phải nghiêm trọng nhất khi một bộ trưởng thành viên NATO đối mặt với nguy hiểm do hành động quân sự của Nga.

Tháng trước, một tên lửa của Nga đã phát nổ ngay gần đoàn xe của Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis khi ông đang thăm thành phố cảng Odessa của Ukraine cùng với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Moscow đã nhiều lần tuyên bố rõ, sự hiện diện của những nhân vật quan trọng ở Ukraine không ảnh hưởng đến "chiến dịch quân sự đặc biệt" của họ.

Hồi tháng 4/2022, Nga đã tập kích thủ đô Kiev của Ukraine giữa lúc Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đang đến thăm thành phố. Ở những ngày đầu xung đột, Nga cũng tập kích vào Kiev bất chấp một số lãnh đạo châu Âu đang có mặt ở đây.

Nga cũng cảnh báo, bất cứ cố vấn quân sự, vũ khí nước ngoài nào hiện diện ở Ukraine đều có thể trở thành mục tiêu tấn công hợp pháp của họ. Moscow nhấn mạnh, nếu NATO đưa quân vào Ukraine, điều đó thậm chí sẽ kéo theo một cuộc chiến hạt nhân.

Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine từ ngày 24/2/2022 với tuyên bố nhằm "phi quân sự hóa và phi phát xít hóa" chính quyền Kiev.

Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng An ninh Nga ngày 15/3, Tổng thống Putin khẳng định, quân đội Nga đang từng bước đạt được các mục tiêu đã đề ra trong chiến dịch này, giành thế chủ động trên chiến trường.

Trước đó, ông cho biết, Nga sẵn sàng đàm phán nhằm chấm dứt xung đột với Ukraine nếu có được các đảm bảo an ninh và bất cứ cuộc hòa đàm nào đều phải dựa trên tình hình thực tế.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev trong tuần này đã nêu ra công thức hòa bình của Nga, trong đó yêu cầu Ukraine phải đầu hàng, bồi thường thích đáng cho Nga, công nhận quyền kiểm soát của Moscow đối với lãnh thổ Ukraine.

Theo Newsweek
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine