1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga tạo địa chấn Trung Đông, lập trật tự thế giới mới

Mục đích chính khi Nga hành động ở Syria không chỉ giải quyết nhiệm vụ chiến lược cấp khu vực mà còn là nhằm lập lại trật tự thế giới mới.

Nhận định trên được chuyên gia phân tích chính trị Maksim Sukhov thuộc Hội đồng Đối ngoại Nga đưa ra trong bài báo viết cho tờ The National Interest.

Theo bài báo trên, trong năm 2015, chiến dịch không kích IS ở Syria đã giúp Nga giải quyết được hai nhiệm vụ quan trọng chiến lược.

Nga tạo địa chấn Trung Đông, lập trật tự thế giới mới - 1

Khung cảnh Syria sau một đợt không kích của Nga. (Ảnh: La Croix)

Nhiệm vụ thứ nhất, Nga đã không còn tiếp tục coi là “bị cô lập” vì hiện nay, hầu hết các cường quốc và các quốc gia khác có lợi ích đều muốn hợp tác với Nga.

Mặc dù một trong số đó, điển hình như các nước vùng Vịnh Persic và phe đối lập Syria, công khai chỉ trích Moscow nhưng vẫn tiếp tục đề nghị đối thoại với Nga. Khuynh hướng này, theo NI, nhiều khả năng sẽ tiếp tục xảy ra trong năm 2016.

Thứ hai, Nga đã khiến các cường quốc châu Âu và cả Mỹ phải thay đổi quan điểm của mình đối với việc giải quyết số phận chính trị của Tổng thống Syria al-Assad.

Ban đầu, các quốc gia phương Tây đặt ra nhiệm vụ hàng đầu là lật đổ chế độ al-Assad ở Syria. Hiện nay, cuộc chiến chống IS mới là nhiệm vụ hàng đầu mà các quốc gia phương Tây đặt ra.

“Chiến dịch quân sự chống IS đã khẳng định một cách chắc chắn vị thế đầu tàu của Nga trong chiến dịch chống IS. Rõ ràng, xét từ khía cạnh chính trị cũng như từ khía cạnh khác của chiến dịch này, việc hợp tác với Nga đem lại nhiều lợi ích rõ ràng hơn so với việc cô lập Nga”, bài báo của NI nhận định.

Hiện Moscow đang muốn thực hiện giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Syria càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, kịch bản này vẫn còn nhiều chông gai để có thể hiện thực hóa.

Theo NI, nhiều khả năng Nga chỉ chấp nhận tiến trình chính trị cho Syria mà ở đó Nga có vai trò cân bằng với Washington và những ý kiến của Moscow được lắng nghe, tôn trọng.

Tuy nhiên, chiến lược của Nga có thể bị ảnh hưởng bởi các nhân tố khác chưa thể lường trước được như quan hệ căng thẳng giữa Iran-Arabia Saudi, Nga-Thổ Nhĩ Kỳ. Ngay cả quan hệ giữa Nga với Iran vẫn đang diễn ra theo kiểu “vừa là bạn, vừa là đối thủ”. Nếu như sau khi các lệnh cấm vận được dỡ bỏ, Iran thực hiện một chiến lược cứng rắn trên thị trường năng lượng thì nhiều khả năng quan hệ giữa Iran với Moscow sẽ trở thành mối quan hệ “cạnh tranh nhiều hơn là hữu hảo”.

Đối với Ai Cập, Moscow hiện đang cố gắng khôi phục mối quan hệ với quốc gia có vị trí chiến lược hàng đầu châu Phi này sau khi quan hệ hai bên xấu đi từ vụ đặt bom máy bay A321 của Nga.

Về tổng thể, Moscow sẽ tiếp tục thúc đẩy thực hiện chiến lược coi “Trung Đông là khu vực có các cấu trúc an ninh phù hợp có thể cho phép Moscow giải quyết được các nhiệm vụ đối nội, cũng như đẩy lùi các mối đe dọa đối với khu vực Kavkaz và Trung Á”.

Tuy nhiên, đặc trưng các cuộc xung đột ở Trung Đông sẽ khiến việc thúc đẩy thực hiện các chiến lược của Nga trở nên không hề đơn giản.

Cơn địa chấn nhỏ

Phân tích của chuyên gia trên NI hoàn toàn có cơ sở khi thời gian qua Nga đã thực sự tạo nên cơn địa chấn ở Trung Đông.

Ngay cả Jordan, quốc gia được cho là bên không ủng hộ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, rõ nhất là việc Quốc vương Abdullah đã đồng ý để liên minh chống khủng bố do Mỹ đứng đầu lập Sở chỉ huy tiền tiêu ở phía bắc Amman, đặt dưới quyền quản lý của Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM), coi đây là một cách đứng về phía Mỹ, Saudi Arabia và Israel, đã có sự thay đổi bất ngờ.

Theo đó, chính quyền Amman đồng ý cùng Moscow thiết lập trung tâm chỉ huy tác chiến đặt tại Jordan, phụ trách chiến trường miền nam Syria.

Từ trước đến nay, Jordan vẫn là đầu mối cung cấp năng lượng, vũ khí, tài chính của Mỹ, Saudi Arabia và UAE cho quân nổi dậy. Mỹ thậm chí còn lập các trại ở Jordan để huấn luyện cho lực lượng này. Cửa ngõ này giờ nhiều khả năng sẽ bị đóng chặt, hoặc thắt lại ở mức tối đa.

Amman có giải thích bước chuyển hướng này nhằm hướng đến việc buộc quân nổi dậy Syria ở miền Nam chấp thuận lệnh ngừng bắn và tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình cùng với Mỹ-Nga để bàn về tương lai Syria.

Thế nhưng nhiều thế lực nghi ngờ đây chỉ là lối nói ngoại giao mà thôi. Nếu thành sự thực, nó đồng nghĩa với việc quân nổi dậy đầu hàng Damascus, tạo điều để Moscow đạt được các mục tiêu chính yếu ở Syria, đến từ việc chính quyền Assad kiểm soát toàn bộ khu vực miền Nam.

Vì sao Mỹ mất vai trò của Trung Đông?

Về phía Mỹ, ông Karim Bitar, chuyên gia thuộc viện Quan hệ quốc tế Pháp từng cho rằng việc Mỹ đánh mất vai trò tại Trung Đông cũng xuất phát từ chính sách thiếu nhất quán của nước này tại khu vực.

Từ sau vụ khủng bố tấn công vào nước Mỹ ngày 9/11/2001, chiến lược chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan của Mỹ có thể chia làm hai giai đoạn.

Trong những năm đầu thập niên 2000, chính quyền Tổng thống George Bush xem chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo là hậu quả của sự khủng hoảng chính trị - kinh tế tại Trung Đông và là mối đe dọa lớn đối với an ninh quốc gia Mỹ. Trong giai đoạn này, Washington không chỉ củng cố an ninh nội địa, săn lùng Al-Qaeda ở mọi nơi, mà còn nỗ lực lật đổ các nhà nước mà Mỹ cho là tài trợ khủng bố.

Đến thời Tổng thống Barack Obama, Mỹ vẫn chủ trương duy trì chính sách cứng rắn về an ninh nội địa và chống khủng bố tích cực, nhưng chọn cách giảm bớt sự hiện diện ở Trung Đông như rút quân khỏi Iraq, hỗ trợ vũ khí cho phe đối lập ở Syria.

Việc Mỹ để lại khoảng trống quyền lực khiến các phe phái bạo lực và cực đoan trong khu vực tranh giành ảnh hưởng, xung đột sắc tộc và sự chiếm đoạt đất đai của nhóm Nhà nước Hồi giáo ở những vùng đất Iraq và Syria.

Dù Al-Qaeda ở Iraq bị đánh bại, việc Mỹ không giải quyết triệt để những vấn đề ở nước này đã tạo điều kiện để IS nổi lên như một thế lực mạnh, gây náo loạn tình hình khu vực.

"Sự do dự của Mỹ trong các biện pháp tiêu diệt phiến quân IS tại Syria là cơ hội không thể tốt hơn để Nga bắt đầu triển khai chiến dịch can thiệp quân sự với mục đích thiết lập lại một trật tự mới tại Trung Đông, nơi Nga chí ít có thể đóng vai trò đối trọng với Mỹ, thậm chí có thể tiến tới soán ngôi 'chỉ đạo' của Washington", ông Bitar khẳng định.

Theo An Nhiên (Tổng hợp)

Đất Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm