1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga tấn công khắp tiền tuyến phía đông, Ukraine có nguy cơ phải rút lui

Quốc Đạt

(Dân trí) - Đánh giá của Tư lệnh Lực lượng Lục quân Ukraine về tiền tuyến làm dấy lên suy đoán cho rằng lực lượng của Kiev có thể buộc phải rút khỏi những vùng họ từng mất nhiều công sức giành lại từ Nga.

Nga tấn công khắp tiền tuyến phía đông, Ukraine có nguy cơ phải rút lui - 1

Binh sĩ Ukraine trong cuộc huấn luyện hiệp đồng tác chiến ở Wedrzyn, Ba Lan vào ngày 7/12 (Ảnh: Reuters).

Trong bài đăng trên Telegram hôm 10/12, Tư lệnh Lực lượng Lục quân Ukraine Oleksandr Syrskyi nói rằng tình hình ở tiền tuyến phía đông rất khó khăn. Đồng thời, ông và các chỉ huy ở phía đông đã có biện pháp "để đảm bảo sự ổn định của hàng phòng ngự, bảo toàn sinh lực và sử dụng hợp lý đạn dược."

"Đối phương không ngừng tiến hành các hoạt động tấn công trên toàn mặt trận", Newsweek dẫn lời ông Syrskyi.

Đầu tháng 12, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết quân đội nước này đang "tiến lên trên mọi hướng" ở Ukraine. Ông Shoigu đưa ra bình luận trên khi Tổng Tham mưu trưởng Ukraine Valery Zaluzhny nói rằng chiến sự đã đi vào bế tắc sau cuộc phản công không như mong đợi của Kiev.

Nhà báo Julian Röpcke, biên tập viên cấp cao về chính sách an ninh và xung đột cho báo Bild của Đức, nói rằng bài đăng của ông Syrskyi thể hiện hoạt động tiếp tục rút lui của Ukraine khỏi Avdiivka, Klishchiivka, Staromaiorske, thậm chí có thể là Đông Kupyansk "và những nơi khác có thể sẽ bị ảnh hưởng".

Tới nay, lực lượng Ukraine đang bám trụ tại Avdiivka, trong khi Nga đã mất lượng lớn binh sĩ trong chiến dịch tấn công được phát động từ tháng 10, theo giới phân tích. Thành phố Avdiivka này nắm giữ chìa khóa để Moscow kiểm soát hoàn toàn Donetsk và Luhansk.

Trước đó, việc giành lại Klishchiivka, ở sườn phía nam của Bakhmut, cũng thuộc tỉnh Donetsk, vào tháng 9 là cú hích tinh thần cho lực lượng Ukraine. Quân đội Moscow đã rút khỏi Staromaiorske vào tháng 7 và Kupyansk thuộc tỉnh Kharkov vào tháng 9/2022 sau thắng lợi của Ukraine tại đây.

Ông Röpcke chỉ trích các nhà lãnh đạo phương Tây như Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Mỹ Joe Biden hay Thủ tướng Anh Rishi Sunak vì không cung cấp đủ vũ khí cho Kiev.

"Không cần phải là thiên tài mới thấy phương Tây muốn ép Ukraine ngồi vào bàn đàm phán với Nga", ông Röpcke đăng trên tài khoản có 170.000 người theo dõi.

Đầu tuần này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã thăm Mỹ và có nhiều cuộc họp với các đồng minh chủ chốt ở Washington để kêu gọi viện trợ bổ sung cho nước mình.

Hôm 8/12, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) của Mỹ cho biết quân đội Nga đã được lệnh phải giành lấy Avdiivka và Kupyansk trước khi bầu cử tổng thống bắt đầu vào tháng 3/2024.

Theo Newsweek