1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga sắp triển khai đội robot chiến đấu hạng nặng đầu tiên

Đức Hoàng

(Dân trí) - Quân đội Nga dự kiến sẽ sớm triển khai đội robot chiến đấu đầu tiên với nòng cốt là Uran-9 - nền tảng được coi là vũ khí của tương lai.

Uy lực robot chiến đấu hạng nặng Uran-9 của Nga
Nga sắp triển khai đội robot chiến đấu hạng nặng đầu tiên - 1

Robot chiến đấu hạng nặng Uran-9 (Ảnh: Twitter).

Bộ Quốc phòng Nga hồi cuối tuần trước thông báo, quân đội nước này đã lên kế hoạch triến khai đội robot chiến đấu Uran-9. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã được thông báo về tin tức này khi tới thăm một doanh nghiệp chuyên sản xuất các hệ thống robot đa năng.

Theo phía Nga, đội robot chiến đấu hạng nặng đầu tiên của nước này sẽ bao gồm 5 chiếc Uran-9. Ngoài ra, một lô 5 chiếc Uran-9 khác đang được sản xuất và sẽ sớm sẵn sàng được bàn giao cho lực lượng vũ trang.

Uran-9 là mẫu phương tiện chiến đấu không người lái mặt đất (UGV) do Quân đội Nga phát triển. Nó có thiết kế tương tự như một mẫu xe bọc thép hạng nhẹ được trang bị một pháo tự động 2A72 30mm, một súng máy đồng trục 7,62mm, 4 tên lửa chống tăng có điều khiển 9M120 Ataka và 6 tên lửa đất đối không.

Hệ thống vũ khí uy lực của Uran-9 là các tên lửa chống tăng có điều khiển 9M120 Ataka với hệ thống dẫn đường bằng sóng vô tuyến SACLOS. Hệ thống này có khả năng tấn công bất kỳ xe tăng chiến đấu nào của đối thủ, kể cả khi được trang bị giáp phản ứng nổ.

Ngoài ra, Uran-9 còn được trang bị 6 ống phóng đạn nhiệt áp RPO Shmel, có khả năng tiêu diệt mọi mục tiêu với tầm bắn tối đa lên đến 1,7km. Loại vũ này thích hợp cho các nhiệm vụ tiêu diệt quân địch ẩn nấp trong các công sự, cơ sở ngầm. Uran-9 được đánh giá là mạnh hơn xe bọc thép Stryker của Mỹ, vốn chỉ được trang bị súng phóng lựu Mk19 hay súng M2. Giới quan sát từng gọi Uran-9 là "vũ khí của tương lai".

Nhiệm vụ chính của Uran-9 trong các trận chiến đấu là trinh sát và yểm trợ cho các lực lượng bộ binh. Uran-9 được điều khiển thông qua một trung tâm chỉ huy di động với hệ thống điều khiển theo thời gian trong khoảng cách 3km.

Nga hiện đã thành lập một trung tâm chuyên đào tạo nhân sự vận hành Uran-9 trong thực chiến.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thử nghiệm tại Syria vài năm trước, Uran-9 đã để lộ những điểm yếu và thiếu sót kỹ thuật chưa đúng như kỳ vọng. Nga, khi đó, tuyên bố đã nắm bắt các điểm yếu này và lên kế hoạch cải thiện.