1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga sản xuất hàng loạt tên lửa "mạnh nhất thế giới"

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nga thông báo bắt đầu sản xuất hàng loạt RS-28 Sarmat, dòng tên lửa đạn đạo liên lục địa mà Moscow nói là "mạnh nhất thế giới", có thể vượt mặt mọi hệ thống phòng không.

Nga sản xuất hàng loạt tên lửa mạnh nhất thế giới - 1

Tên lửa Sarmat trong một vụ phóng thử (Ảnh: Reuters).

Eurasian Times đưa tin, Tổng Giám đốc Trung tâm Tên lửa Nhà nước Makeyev, Vladimir Degtyar, cho biết hoạt động sản xuất hàng loạt tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) R-28 Sarmat đã bắt đầu ở Nga.

Theo ông Degtyar, tên lửa R-28 Sarmat sẽ được xem là lực lượng nòng cốt để bảo vệ an ninh quốc gia Nga trong 40-50 năm tới và tăng cường khả năng chiến đấu của quân đội Nga. Ông cho biết ICBM này sẽ trở thành phương tiện răn đe hạt nhân chính và đảm bảo duy trì hòa bình trong môi trường địa chính trị hiện nay.

Tuần trước, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, họ đã thử nghiệm thành công tên lửa R-28 phóng từ giếng phóng.

"Các cuộc thử nghiệm hệ thống tên lửa Sarmat đã được thực hiện thành công. Hệ thống tên lửa cơ động Yars cũng đã chứng minh khả năng bằng các vụ phóng thử tại sân bay Plesetsk", thông báo cho hay.

RS-28 Sarmat sẽ thay thế RS-20V Voevoda, tên lửa chiến lược mạnh nhất trong kho vũ khí Nga. Quá trình phát triển RS-28 Sarmat đã bắt đầu từ hơn một thập niên trước, vào năm 2011.

Sarmat là tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng mang theo 10 đầu đạn nhiệt hạch lớn hoặc 16 đầu đạn nhỏ hơn hoặc kết hợp cả hai để áp đảo hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương. Mỗi đầu đạn của Sarmat có thể tấn công một mục tiêu riêng biệt.

Ngoài ra, tên lửa Sarmat cũng có khả năng mang tối đa 24 thiết bị phóng siêu vượt âm Avangard, khiến nó trở thành vũ khí đầy uy lực. Avangard có khả năng bay nhanh gấp 27 lần tốc độ âm thanh.

Bộ Quốc phòng Nga từng tuyên bố: "Sarmat là tên lửa mạnh nhất với tầm bắn lớn nhất trên thế giới. Nó sẽ tăng cường đáng kể sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang hạt nhân chiến lược Nga".

Vladimir Degtyar, nhà thiết kế trưởng tại Phòng thiết kế tên lửa Makeyev - nơi phát triển RS-28 Sarmat, tiết lộ rằng hệ thống kiểm soát của Sarmat được thiết kế cho phép tên lửa này có thể tiếp tục hành trình ngay cả khi bị hỏa lực phòng không đối thủ đánh trúng.

Theo quan chức trên, với tầm tấn công 18.000km, Sarmat có thể nhằm vào mọi mục tiêu trên hành tinh. Ngoài ra, đối thủ không thể tính toán chính xác quỹ đạo của đầu đạn tên lửa Sarmat và rất khó phát hiện ra chúng, vì chúng được trang bị thiết bị đặc biệt được thiết kế để 'tàng hình" khi bay cả trong bầu khí quyển Trái đất và bên ngoài nó, ông Degtyar cho biết.

Đại tướng Sergei Karakaev, Tư lệnh Lực lượng Tên lửa Chiến lược của Nga, cho biết: "Quỹ đạo của Sarmat có khả năng thay đổi. Từ quỹ đạo ở Bắc Cực, nếu cần thiết nó có thể chuyển quỹ đạo sang Nam Cực. Và nó cũng có khả năng di chuyển theo những quỹ đạo khác, bao gồm khả năng phóng vào không gian".

Ông giải thích rằng một trong những lý do khiến Sarmat rất khó bị đánh chặn là mặc dù là một tên lửa đẩy động cơ sử dụng nhiên liệu lỏng nhưng nó có khả năng tăng tốc nhanh như tên lửa hạng nhẹ động cơ sử dụng nhiên liệu rắn.

Nga thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa

Theo Eurasian Times