1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga lần đầu khoe bộ phận chủ chốt trên siêu tên lửa "quỷ satan"

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nga đăng tải hình ảnh được giới quan sát nhận định là hiếm hoi cho thấy một bộ phận chủ chốt của tên lửa đạo đạo liên lục địa "quỷ satan" R-36M2.

Nga lần đầu khoe bộ phận chủ chốt trên siêu tên lửa quỷ satan - 1

Nga lần đầu công bố hình ảnh khoang chứa đầu đạn của tên lửa "quỷ satan" R-36M2 (Ảnh: Zvezda).

Eurasian Times đưa tin, Nga đã lần đầu tiên công khai hình ảnh khoang chứa đầu đạn của tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) R-36M2 tới công chúng.

Tên lửa còn được mệnh danh là "quỷ satan" là một trong những ICBM có trọng tải đầu đạn lớn nhất thế giới, và cũng là một trong những vũ khí nguy hiểm hàng đầu trong kho vũ khí của Nga. 

R-36M2 là ICBM phóng bằng giếng phóng mà Liên Xô bắt đầu phát triển từ những năm 1980 để thay thế các biến thể R-36M. Một trong những đặc điểm khiến R-36M2 đặc biệt trở nên nguy hiểm là nó được áp dụng công nghệ đa đầu đạn phân hướng (MIRV), tức là có thể phóng nhiều đầu đạn cùng lúc. Tùy thuộc vào chiến thuật, mỗi đầu đạn có thể tấn công các mục tiêu khác nhau.

R-36M2 Voevoda là một trong những tên lửa nặng nhất thế giới, khoảng 211 tấn. Nó có tầm bay 16.000km và đầu đạn MIRV có thể được trang bị vũ khí hạt nhân có khả năng phá hủy các mục tiêu quy mô lớn. Tên lửa có chiều dài 32,2m, đường kính lên tới 3,05m.

Trong nhiều năm qua, R-36M2 đã được Nga biên chế trong lực lượng tên lửa hạt nhân chiến lược của Nga.

Nga lần đầu khoe bộ phận chủ chốt trên siêu tên lửa quỷ satan - 2

Cận cảnh khu vực Nga đặt đầu đạn trên siêu tên lửa R-36M2 (Ảnh: Zvezda).

Việc Nga lần đầu công bố khoang chứa đầu đạn của R-36M2 diễn ra trong bối cảnh trong thời gian qua họ liên tục thử nghiệm biến thể uy lực hơn R-28 Sarmat. Trước khi Sarmat xuất hiện, R-36M2 là tên lửa có tầm bắn xa nhất thế giới, có khả năng mang tới 10 đầu đạn hạt nhân độc lập với sức công phá trên 500 kiloton (500.000 tấn thuốc nổ TNT) mỗi đầu.

Theo Eurasian Times, R-36M2 có 14 ô trong khoang chứa đầu đạn, chia làm 2 hàng, mỗi hàng 7 ô. Tuy nhiên, tên lửa này được cho chỉ mang tối đa 10 đầu đạn có khả năng tấn công, trong khi 4 vị trí còn lại sẽ dành cho đạn mồi hoặc các thiết bị đánh lừa hệ thống phòng không đối thủ, giúp tên lửa tập kích chính xác hơn.

Giới chuyên gia nhận định, hiện chưa rõ lý do vì sao Nga lại chọn thời điểm này để công khai hình ảnh của R-36M2, dù họ nhiều lần công bố sẽ sớm thay thế dòng tên lửa trên bằng RS-28 Sarmat.

Nga đã phóng thành công Sarmat nhưng chưa ấn định thời gian để đưa nó vào biên chế. Đây có thể là tín hiệu cho thấy Nga sắp triển khai RS-28.

Các tên lửa Sarmat sẽ có khả năng mang mọi loại đầu đạn hạt nhân, bao gồm phương tiện bay siêu thanh Avangard, loại đầu đạn có khả năng bay nhanh gấp 27 lần tốc độ âm thanh mới được Nga đưa vào biên chế cuối năm 2019.

Tên lửa Sarmat có tầm tấn công là 18.000km với tổng khối lượng khi phóng đi là 208,1 tấn. Sarmat dài 35,5m, đường kính 3m và tải trọng nhiên liệu là 178 tấn.

Theo truyền thông Nga, Samart được cho có thể có sức công phá tương đương 8 triệu tấn thuốc nổ TNT. Tên lửa này có thể mang theo 10 đầu đạn lớn, 16 đầu đạn nhỏ. 

Vladimir Degtyar, nhà thiết kế trưởng tại Phòng thiết kế tên lửa Makeyev - nơi phát triển RS-28 Sarmat, tiết lộ tên lửa này có thể tiếp tục hành trình ngay cả khi bị hỏa lực phòng không đối thủ đánh trúng.

Theo Eurasian Times