1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nga sẵn sàng cho các lệnh trừng phạt của phương Tây nhiều thập niên nữa

Minh Phương

(Dân trí) - Moscow xác định, các biện pháp trừng phạt kinh tế do phương Tây áp đặt lên Nga sẽ kéo dài trong nhiều thập niên nữa, ngay cả khi có một giải pháp hòa bình ở Ukraine.

Nga sẵn sàng cho các lệnh trừng phạt của phương Tây nhiều thập niên nữa - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Reuters).

Kể từ khi cuộc xung đột với Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, Nga trở thành quốc gia bị phương Tây trừng phạt nhiều nhất, vượt qua cả Iran và Triều Tiên. Tuy vậy, bất chấp áp lực, kinh tế Nga đã tăng trưởng 4,7% trong nửa đầu năm nay.

Ông Dmitry Birichevsky, Vụ trưởng Vụ Hợp tác kinh tế thuộc Bộ Ngoại giao Nga ngày 16/8 nhận định: "Đây sẽ là câu chuyện trong nhiều thập niên tới. Bất kể diễn biến và kết quả của một giải pháp hòa bình ở Ukraine là gì, trên thực tế, đó chỉ là cái cớ".

"Các biện pháp trừng phạt đầu tiên được đưa ra sớm hơn nhiều. Mục tiêu cuối cùng của họ là cạnh tranh không lành mạnh", ông nói tại một hội thảo ở Moscow.

Với chủ đề "Các biện pháp trừng phạt chống lại Nga liệu có kéo dài vô tận?", hội thảo này là một phần của cuộc tranh luận rộng lớn trong giới chính trị và kinh doanh Nga về việc Moscow có nên tìm cách để nới lỏng các biện pháp trừng phạt hay chấp nhận chúng như một thực tế lâu dài và học cách sống chung.

Ông Birichevsky lập luận, các lệnh trừng phạt vẫn có một số lợi ích nhất định. Chúng buộc Nga phải tái cấu trúc nền kinh tế và sản xuất nhiều hàng hóa giá trị gia tăng hơn, loại hàng hóa này trước đây được nhập khẩu từ các nước phương Tây.

"Vào những năm 1990, chúng tôi nghĩ nếu chúng tôi có dầu và khí đốt, chúng tôi có thể mua mọi thứ khác ở nước ngoài. Bây giờ chúng tôi không thể mua nó", ông nói.

Ông cảnh báo, "vòng xoáy trừng phạt" sẽ tiếp tục gây ra nhiều đau đớn hơn khi phương Tây nhắm vào các lĩnh vực chưa từng bị trừng phạt. 

Các quan chức phương Tây đã gây áp lực lên các đối tác thương mại của Nga, đe dọa cắt đứt quyền tiếp cận thị trường phương Tây nếu họ hợp tác với Nga, ông Birichevsky nói thêm.

Ông cho biết, Moscow đang chia sẻ chiến lược với các quốc gia bị trừng phạt khác như Iran, Triều Tiên và Venezuela, mục tiêu tạo ra một liên minh "chống trừng phạt" quốc tế để cùng nhau chống lại áp lực từ phương Tây.

Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin nêu rõ, việc dỡ bỏ tất cả các biện pháp trừng phạt áp đặt lên Nga sẽ là một trong những điều kiện để tiến tới hòa bình.

Hải Đăng - Anh Ngọc

Theo Reuters

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm