1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nga ra tối hậu thư cho phương Tây về vấn đề vùng ly khai Moldova

Minh Phương

(Dân trí) - Moscow cảnh báo, bất cứ hành động nào đe dọa lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga ở vùng ly khai Transnistria (Moldova) sẽ bị coi là tấn công trực tiếp Nga.

Nga ra tối hậu thư cho phương Tây về vấn đề vùng ly khai Moldova - 1

Lực lượng gìn giữ hòa bình Nga ở Transnistria (Ảnh: Military).

"Theo luật pháp quốc tế, bất cứ hành động nào đe dọa an ninh lực lượng Nga ở Transnistria sẽ bị coi là tấn công trực tiếp vào Liên bang Nga", Bộ Ngoại giao Nga ngày 24/2 đưa ra cảnh báo đối với Ukraine và phương Tây.

Moscow tuyên bố sẽ đáp trả bất cứ "hành động khiêu khích nào" của Ukraine, Mỹ và các đồng minh NATO nhằm chống lại lực lượng hòa bình của Nga ở Transnistria.

Thông cáo nêu rõ, tuy Nga ủng hộ cách giải quyết vấn đề bằng biện pháp chính trị, ngoại giao, nhưng chắc chắn rằng các lực lượng vũ trang Nga sẽ đáp trả thích hợp trước mọi hành động khiêu khích. Moscow khẳng định quyết tâm bảo vệ người dân, quân nhân và lực lượng gìn giữ hòa bình tại Transnistria.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga đưa ra thông tin cáo buộc Ukraine đưa một lượng lớn binh sĩ, khí tài đến sát Transnistria, vùng ly khai của Moldova giáp Ukraine.

Nga nói rằng, Ukraine đang chuẩn bị cho kế hoạch động binh với Transnistria, thông qua việc dàn dựng một cuộc tấn công vào lãnh thổ Ukraine. Theo cáo buộc này, Kiev sẽ dùng những phần tử phá hoại mặc đồng phục quân đội Nga để tấn công từ Transnistria sang Ukraine.

"Theo thông tin chúng tôi có được, trong tương lai gần, chế độ Kiev đang chuẩn bị một cuộc khiêu khích vũ trang chống Transnistria. Kế hoạch sẽ được thực hiện bởi các đơn vị của lực lượng vũ trang Ukraine, bao gồm cả sự tham gia của đơn vị theo chủ nghĩa dân tộc Azov", Bộ Quốc phòng Nga nói.

Tuy nhiên, chính phủ Moldova đã lên tiếng bác bỏ.

Transnistria, vùng đất rộng hơn 3.000km2 bên bờ đông sông Dniester, từng là nơi đóng quân của Liên Xô trong những năm cuối Chiến tranh Lạnh. Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, khu vực này đòi ly khai khỏi Moldova, châm ngòi cho cuộc xung đột quân sự vào tháng 3/1992 và kết thúc bằng thỏa thuận ngừng bắn vào tháng 7/1992. Nga đã nhanh chóng đưa lực lượng gìn giữ hòa bình đến Transnistria để hỗ trợ những người ly khai thân Nga từ năm 1993. Khoảng 1.100 binh sĩ Nga đang đóng quân tại đây.

Đầu tuần này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thu hồi sắc lệnh năm 2012 vốn nhằm ủng hộ chủ quyền của Moldova trong việc giải quyết tương lai của vùng ly khai Transnistria. Trong sắc lệnh, Nga cam kết tìm cách giải quyết vấn đề vùng ly khai Transnistria "dựa trên tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và tình trạng trung lập của Cộng hòa Moldova".

Những diễn biến gần đây khiến nhiều người lo ngại cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine có nguy cơ vượt ra ngoài biên giới.

moldova_mâp.jpg

Vùng ly khai Transnistria của Moldova giáp biên giới với Ukraine (Bản đồ: Aljazeera).

Trong một diễn biến liên quan khác, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev hôm nay bình luận, cách duy nhất để Nga đảm bảo hòa bình lâu dài với Ukraine là đẩy lùi các mối đe dọa ra xa nhất có thể, thậm chí tới sát biên giới Ba Lan.

Cựu Tổng thống Nga dự đoán, các cuộc đàm phán khó khăn với Ukraine và phương Tây sau này có thể cho ra đời một thỏa thuận nào đó, nhưng sẽ "thiếu sự đồng thuận cơ bản về biên giới thực sự".

"Đó là lý do tại sao (Nga) cần đạt được tất cả các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt. Đẩy lùi biên giới với các quốc gia đe dọa đất nước chúng ta càng xa càng tốt, ngay cả khi đó là biên giới của Ba Lan", ông Medvedev nói.

Theo RT, Guardian
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm