1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Moldova lên tiếng khi Nga cáo buộc Ukraine tính động binh với Transnistria

Đức Hoàng

(Dân trí) - Giới chức Moldova lên tiếng sau khi Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc Kiev có kế hoạch động binh với Transnistria, khu vực ly khai của Moldova nằm giáp Ukraine.

Moldova lên tiếng khi Nga cáo buộc Ukraine tính động binh với Transnistria - 1

Nga đang triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình ở Transnistria, vùng ly khai của Moldova giáp Ukraine (Ảnh: Reuters).

Reuters đưa tin, Moldova đã bác bỏ cáo buộc của Bộ Quốc phòng Nga hôm 23/2 rằng Ukraine đã lên kế hoạch động binh với khu vực ly khai Transnistria của Moldova, đồng thời kêu gọi các bên bình tĩnh.

"Theo thông tin chúng tôi có được, trong tương lai gần, chế độ Kiev đang chuẩn bị một cuộc khiêu khích vũ trang chống Transnistria. Kế hoạch sẽ được thực hiện bởi các đơn vị của lực lượng vũ trang Ukraine, bao gồm cả sự tham gia của đơn vị theo chủ nghĩa dân tộc Azov", Bộ Quốc phòng Nga nói trong một thông báo.

Nga cáo buộc Kiev có thể có kế hoạch để làm tiền đề cho việc động binh với Transnistria, thông qua tổ chức một cuộc tấn công dưới danh nghĩa quân đội Nga từ lãnh thổ vùng ly khai Moldova vào phía Ukraine. Để làm được như vậy, Nga cáo buộc Ukraine sẽ để cho "những phần tử phá hoại mặc đồng phục quân đội của phía Moscow".

Trên Telegram, chính phủ Moldova cho biết các cơ quan chức năng nước này không xác nhận cáo buộc trên của Bộ Quốc phòng Nga.

"Chúng tôi kêu gọi sự bình tĩnh và thông tin được công bố từ các nguồn chính thức và đáng tin cậy của Cộng hòa Moldova. Các tổ chức của chúng tôi hợp tác với các đối tác nước ngoài và trong trường hợp có mối đe dọa đối với đất nước, công chúng sẽ được thông báo kịp thời", Moldova cho hay.

Transnistria, vùng đất rộng hơn 3.000km2 bên bờ đông sông Dniester, từng là nơi đóng quân của Liên Xô trong những năm cuối Chiến tranh Lạnh. Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, khu vực này đòi ly khai khỏi Moldova, châm ngòi cho cuộc xung đột quân sự vào tháng 3/1992 và kết thúc bằng thỏa thuận ngừng bắn vào tháng 7/1992. Nga đã nhanh chóng đưa lực lượng gìn giữ hòa bình đến Transnistria để hỗ trợ những người ly khai thân Nga từ năm 1993.

Hãng tin Tass cho hay, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin cáo buộc phương Tây đã chỉ thị cho chính phủ Moldova ở Chisinau ngừng mọi tương tác với chính quyền Transnistria.

Quan hệ Nga, Moldova có xu hướng leo thang sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Hồi đầu tháng, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cảnh báo Moldova có thể trở thành "Ukraine thứ 2" với tư tưởng chống Moscow. Moldova sau đó đã chỉ trích nhận định này.

Moldova lên tiếng khi Nga cáo buộc Ukraine tính động binh với Transnistria - 2

Transnistria là khu vực ly khai khỏi Moldova (Bản đồ: Aljazeera).

Theo Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine