1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ukraine phóng tên lửa HIMARS, phá hủy "rồng lửa" S-400 của Nga

Tùng Nguyễn

(Dân trí) - Quân đội Ukraine tuyên bố đã phá hủy một đài chỉ huy của tổ hợp tên lửa S-400 của Nga bằng pháo phản lực phóng loạt HIMARS.

Ukraine phóng tên lửa HIMARS, phá hủy rồng lửa S-400 của Nga - 1

Một tổ hợp tên lửa S-400 của Nga bị phá hủy tại Ukraine (Ảnh: mil.in.ua).

Trang mil.in.ua hôm 31/5 đưa tin, quân đội Ukraine đã sử dụng pháo phản lực phóng loạt HIMARS để tập kích một điểm tập trung vũ khí và trang thiết bị quân sự của Nga hồi giữa tháng 5 ở vùng Kherson, miền Nam Ukraine. Vụ tập kích này đã phá hủy một đài chỉ huy và kiểm soát hỏa lực cho hệ thống tên lửa phòng không S-400 của quân đội Nga.

Tổ hợp tên lửa này được đưa tới Kherson để tăng cường năng lực phòng không cho lực lượng phòng thủ Nga trước đà phản công giành lại lãnh thổ của phía Ukraine.

Bộ Quốc phòng Nga hiện chưa lên tiếng bình luận về tuyên bố trên của quân đội Ukraine.

"Rồng lửa" S-400 được coi là một trong những hệ thống phòng thủ tiên tiến nhất thế giới. Nó có thể tiêu diệt tất cả các vật thể xuất hiện trên không trung trong phạm vi trên 400km, bao gồm các loại máy bay, tên lửa hành trình, phương tiện bay không người lái hay tên lửa đạn đạo, ở độ cao 50 km và tốc độ tối đa của mục tiêu là 4,8km/s.

Trước đó, vào tháng 11 năm ngoái, quân đội Ukraine tuyên bố đã phát hiện và thu giữ được một tổ hợp radar 48Ya6-K1 "Podlet-K1" được sử dụng cho các hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga tại Kherson. Loại khí tài này đã bị quân đội Nga bỏ lại sau khi rút khỏi Kherson.

Những hình ảnh thu được cho thấy radar Podlet-K1 đã bị hư hỏng nghiêm trọng khi được tìm thấy. Tuy nhiên, nhà chức trách quân đội Ukraine khẳng định những bộ phận thu được sẽ giúp Kiev giải mã "mắt thần" này của Nga.

Radar 48Ya6-K1 "Podlet-K1" là một radar hiện đại của quân đội Nga, được thiết kế để truy tìm các mục tiêu cỡ nhỏ và chỉ thị mục tiêu cho các tên lửa của tổ hợp phòng không S-300 và S-400. Nhà sản xuất tiết lộ radar này có thể phát hiện mục tiêu từ khoảng cách lên tới 300km ở độ cao 10km. Theo một số nguồn tin, radar Podlet-K1 được điều đến Kherson để bổ sung năng lực tác chiến cho các hệ thống phòng không S-400 tại khu vực này.

Về HIMARS, đây là tổ hợp pháo phản lực cơ động cao do Mỹ cung cấp cho Ukraine. Tổ hợp này có tầm bắn khoảng 80km đối với đạn pháo thông thường và có thể lên tới 300km với tên lửa chiến thuật. Sau khi được Mỹ chuyển giao HIMARS, quân đội Ukraine đã liên tục tổ chức các cuộc tấn công nhằm vào tuyến đường tiếp vận và mục tiêu quân sự quan trọng của Nga, gây ra nhiều tổn thất nghiêm trọng cho lực lượng Nga tại Ukraine.

Chính vì uy lực mạnh mẽ của HIMARS, quân đội Nga đã thành lập một mạng lưới đặc vụ dày đặc với nhiệm vụ truy tìm và phá hủy các pháo phản lực này.

Theo mil.in.ua