Nga nói Ukraine đưa lực lượng áp sát biên giới với Belarus
(Dân trí) - Quân đội Ukraine đã triển khai lực lượng đáng kể dọc theo biên giới với Belarus nhằm thăm dò khả năng phòng thủ của liên minh Nga - Belarus, một quan chức Nga cho hay.
"Theo thông tin chúng tôi nắm được, quân đội Ukraine thực sự đã triển khai lực lượng đáng kể dọc biên giới Belarus. Họ muốn thăm dò khả năng phòng thủ của Nhà nước Liên minh", hãng tin TASS ngày 18/6 dẫn lời ông Alexey Polishchuk, một quan chức Bộ Ngoại giao Nga, cho biết.
Quan chức này nhấn mạnh: "Chúng tôi hy vọng Ukraine và các đồng minh phương Tây của họ sẽ ý thức được không nên thực hiện các cuộc điều động quân sự bởi điều này có thể gây ra hậu quả rất nghiêm trọng đối với họ".
Theo ông, việc Ukraine tìm cách thăm dò năng lực phòng thủ buộc lực lượng hiệp đồng Nga và Belarus phải triển khai ở Belarus kể từ tháng 10/2022.
"Nhiệm vụ của họ là ngăn chặn hành động xâm phạm lãnh thổ Nhà nước Liên minh, giảm thiểu rủi ro xâm nhập của các nhóm phá hoại và trinh sát", ông Polischuk nhấn mạnh.
Belarus là một đồng minh quan trọng của Nga. Nhà nước Liên minh được Nga và Belarus thiết lập năm 1999 với kế hoạch thành lập nội các, quốc hội và tòa án chung, cũng như các thể chế khác.
Tháng 10 năm ngoái, Nga và Belarus thông báo thành lập lực lượng quân sự hiệp đồng để đối phó "gia tăng căng thẳng ở biên giới phía tây". Cuối tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin xác nhận, các vũ khí hạt nhân chiến thuật đầu tiên của Nga đã được triển khai trên lãnh thổ Belarus theo thỏa thuận giữa hai nước nhằm tăng cường phòng thủ biên giới cho Belarus.
Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi tháng 2 năm ngoái, Belarus được cho là đã cho phép nước láng giềng sử dụng lãnh thổ để tiến công vào Ukraine. Belarus cũng bị nghi cho phép Nga phóng tên lửa nhằm vào Ukraine từ không phận.
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cáo buộc phương Tây tìm cách kéo Belarus vào cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, hôm 14/6, ông khẳng Belarus sẵn sàng tham gia cuộc xung đột ở Ukraine, nếu nước này trở thành mục tiêu xâm lược. Ông tuyên bố, Belarus đủ sức mạnh để đáp trả bất kỳ sự can thiệp nghiêm trọng nào.
Ukraine tạm ngừng phản công?
Trong một diễn biến khác, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) dẫn nhận định của ông Margo Grosberg, người đứng đầu Trung tâm Tình báo Quốc phòng Estonia, cho rằng Ukraine có thể sẽ "tạm ngừng chiến dịch phản công trong 7 ngày tới để đánh giá lại chiến thuật".
ISW nhấn mạnh: "Tạm ngừng là một đặc điểm thường thấy của các cuộc tấn công quy mô lớn và điều này không có nghĩa là chiến dịch phản công của Ukraine kết thúc".
Theo ISW, hôm 18/6, Ukraine tiếp tục phản công trên ít nhất 4 mặt trận và "đạt được những bước tiến nhỏ trong việc giành lại lãnh thổ".
Ukraine bắt đầu cuộc phản công lần hai bắt đầu từ hôm 8/6 sau đợt phản công đầu tiên vào cuối năm ngoái giúp họ giành lại một phần lãnh thổ ở Kherson và Kharkov. Chiến dịch phản công lần này của Ukraine được cho là tập trung tại Donetsk (miền Đông) và Zaporizhia (miền Nam).
Theo Bộ Quốc phòng Anh, quân đội Nga dường như bắt đầu điều chuyển lực lượng từ bờ đông sông Dnieper đến Bakhmut ở Donetsk và tỉnh Zaporizhia.
"Việc bố trí lại lực lượng này có vẻ cho thấy Nga nhận định khả năng Ukraine tiến hành phản công vượt sông Dnieper rất thấp sau vụ vỡ đập Kakhovka", Bộ Quốc phòng Anh nhận định.