1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ lên tiếng việc Nga đưa vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus

Thành Đạt

(Dân trí) - Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục theo dõi tình hình sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin xác nhận vũ khí hạt nhân đã hiện diện ở Belarus.

Mỹ lên tiếng việc Nga đưa vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus - 1

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (Ảnh: AP).

"Chúng tôi không có lý do gì để điều chỉnh lập trường hạt nhân của mình. Chúng tôi không thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói trong cuộc họp báo hôm 16/6.

Tuyên bố của ông Blinken được đưa ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin xác nhận vũ khí hạt nhân chiến thuật đã được triển khai ở Belarus.

"Những đầu đạn hạt nhân đầu tiên đã được chuyển vào lãnh thổ Belarus. Đây mới là giai đoạn đầu tiên của kế hoạch. Chúng tôi sẽ hoàn tất trước mùa thu hoặc cuối năm nay", Tổng thống Putin phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg hôm 16/6.

Ngoại trưởng Blinken tuyên bố Mỹ sẽ "tiếp tục theo dõi tình hình rất chặt chẽ và cẩn trọng". Ông nói thêm rằng Washington vẫn cam kết bảo vệ "từng tấc đất" của NATO.

Đại sứ Ukraine tại Anh Vadym Prystaiko cho rằng tuyên bố của Tổng thống Putin nên được xem xét "rất nghiêm túc". Ông cũng cho rằng việc Belarus cho phép Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ là hành động vi phạm các thỏa thuận quốc tế.

Khi được hỏi liệu Ukraine có coi tuyên bố của Tổng thống Putin là lời đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân trong những tháng tới hay không, ông Prystaiko nói: "Tôi tin rằng ông ấy đang đe dọa tất cả chúng tôi: trước hết là Ukraine, nhưng sau đó là châu Âu và Mỹ và tất cả các đối tác của chúng tôi trên toàn cầu".

Ông Prystaiko cũng cho biết Ukraine hiện "được trang bị tốt hơn nhiều để chống lại sức ép này" từ Nga, bởi vì họ có tên lửa phòng không từ các đối tác quốc tế.

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hôm 14/6 xác nhận nước này đã nhận vũ khí hạt nhân chiến thuật từ Nga.

"Chúng tôi đã có tên lửa và bom mà chúng tôi nhận được từ Nga. Những quả bom này mạnh gấp ba lần bom (thả xuống) Hiroshima và Nagasaki", ông Lukashenko nói.

Tổng thống Lukashenko cho biết, Belarus có nhiều cơ sở lưu trữ hạt nhân còn sót lại từ thời Liên Xô và đã khôi phục năm hoặc sáu cơ sở trong số này.

Trước đó, khi được hỏi lý do Belarus cần vũ khí hạt nhân và điều kiện lưu trữ cũng như sử dụng vũ khí này như thế nào, ông Lukashenko nói: "Tại sao chúng tôi cần chúng? Để ngăn chặn bất kỳ kẻ nào đặt chân lên lãnh thổ Belarus một lần nữa".

Tổng thống Lukashenko cũng lưu ý rằng, việc triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus là đề nghị của ông và là "yêu cầu kiên quyết" đối với phía Nga để "đảm bảo an ninh" cho Belarus.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga và Belarus ngày 25/5 đã ký thỏa thuận cho phép triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga trên lãnh thổ nước láng giềng Belarus. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết Moscow vẫn duy trì kiểm soát và quyền ra quyết định đối với những vũ khí này. Ông Shoigu cũng nhấn mạnh, thỏa thuận của Nga và Belarus tuân thủ tất cả các nghĩa vụ pháp lý quốc tế hiện hành.

Đây sẽ là lần đầu tiên Nga triển khai kho vũ khí hạt nhân bên ngoài biên giới kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991. Belarus có đường biên giới dài 1.250km với các nước thành viên NATO là Latvia, Lithuania và Ba Lan. Belarus cũng giáp với Ukraine, nơi đang nổ ra các cuộc giao tranh khốc liệt.

Vũ khí hạt nhân chiến thuật là loại vũ khí được thiết kế để sử dụng trên chiến trường, có thiết kế nhỏ hơn và được sử dụng ở khoảng cách ngắn, khác với vũ khí hạt nhân chiến lược vốn được dùng để tấn công các mục tiêu chiến lược ở khoảng cách xa.

Theo Reuters