Nga nói quan hệ với Đức và Pháp xuống thấp chưa từng có
(Dân trí) - Quan hệ giữa Nga với Pháp và Đức càng trở nên căng thẳng hơn kể từ khi cuộc xung đột Ukraine nổ ra.
Trả lời phỏng vấn Sputnik ngày 28/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng việc Pháp và Đức ký các thỏa thuận an ninh song phương với Ukraine không ảnh hưởng đến quan hệ với Nga do mối quan hệ này đã "xuống thấp chưa từng có".
"Đặc biệt đề cập đến quan hệ Nga - Đức và Nga - Pháp, tôi muốn nhấn mạnh rằng, thật không may, ở giai đoạn này, có rất ít điều có thể ảnh hưởng đến những mối quan hệ đó theo chiều hướng tồi tệ hơn nữa vì đã ở mức thấp chưa từng có", bà Zakharova cho biết.
"Đây không phải là quyết định của chúng tôi. Trong hai năm, chúng tôi đã theo dõi xem các nước NATO, bao gồm cả Đức và Pháp đóng vai trò đặc biệt tích cực như thế nào, trong việc cung cấp vũ khí sát thương hiện đại, hỗ trợ huấn luyện quân sự, cung cấp thông tin tình báo cho Ukraine và làm leo thang chiến sự".
Bà Zakharova cho rằng lãnh đạo những quốc gia này vẫn theo đuổi mục tiêu buộc Nga thất bại chiến lược và coi "công thức hòa bình" mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đưa ra là "tối hậu thư" cho Moscow.
"Trong bối cảnh này, việc ký kết các thỏa thuận mới là một động thái khác, mặc dù mang tính biểu tượng, trong cuộc chiến hỗn hợp của phương Tây với Nga, cho thấy sự không sẵn sàng của họ đi theo con đường ngoại giao, chính trị để giải quyết xung đột", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga nói.
Mối quan hệ giữa Nga và phương Tây, trong đó có Pháp và Đức, càng trở nên căng thẳng kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra cách đây 2 năm. Cùng với Mỹ, Anh, Pháp và Đức là những quốc gia tích cực hỗ trợ cho Kiev.
Đầu tuần này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gây tranh cãi với tuyên bố phương Tây không loại trừ khả năng đưa quân đến Ukraine. Theo giới quan sát, phát ngôn của ông Macron nhằm gây sức ép lên Nga trong bối cảnh Moscow đang dần chiếm thế chủ động trên chiến trường Ukraine trong khi quân đội Ukraine cạn kiệt đạn dược.
Tuy nhiên, các đồng minh phương Tây đã lập tức bác bỏ ý tưởng đưa quân đến Ukraine và khẳng định việc hỗ trợ Kiev vẫn theo phương thức viện trợ trang thiết bị quân sự, huấn luyện quân đội.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Zakharova nhận định: "Các nhà lãnh đạo của nhiều chính phủ châu Âu nhanh chóng nói rằng họ không và không có kế hoạch tương tự. Điều này cho thấy họ hiểu được sự nguy hiểm".
Mặt khác, Điện Kremlin cảnh báo, nếu phương Tây đưa quân đến Ukraine, một cuộc xung đột giữa Nga và NATO khó tránh khỏi.
Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Vyacheslav Volodin chỉ trích phát ngôn của ông Macron là "nguy hiểm" và có thể châm ngòi cho Thế chiến III.
"Các ý tưởng của ông ấy đang trở nên nguy hiểm đối với người dân Pháp. Trước khi đưa ra những tuyên bố như vậy, ông Macron nên nhớ lại kết cục của (Hoàng đế Pháp) Napoléon và binh lính của ông ta như thế nào, hơn 600.000 người trong số họ đã bị bỏ lại nằm trên mặt đất ẩm ướt".