1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga nói không với đề xuất của Trung Quốc thuê đất Siberia

(Dân trí) - Duma quốc gia (tức Hạ viện) Nga ngày 22/6 đã ra quyết định bác đề xuất của một công ty Trung Quốc thuê 115.000 ha đất tại Siberia để canh tác, do lo ngại có thể người Trung Quốc sinh sống tại đây sẽ trở thành đa số trong tương lai.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Theo hãng thông tấn Nga Itar-Tass, đảng dân chủ tự do Nga (LDPR) còn có ý định đề nghị Duma yêu cầu Thủ tướng Dmitry Medvedev đình chỉ mọi tiến trình pháp lý của thỏa thuận này.

Phó Chủ tịch LDPR tại Duma Yaroslav Nilov khẳng định rằng dự thảo văn bản gửi tới ông Medvedev đã được biên soạn để Duma xem xét. Sau đó các phiên họp toàn thể về dự thảo luật này sẽ được công bố.

“Chúng tôi sẽ yêu cầu thủ tướng đình chỉ mọi hoạt động cho Trung Quốc thuê đất đai của Nga và quay lại bàn đàm phán bởi một số rủi ro đối với an ninh quốc gia đã không được cân nhắc, cũng như các hậu quả về địa chính trị”, ông Nilov nhấn mạnh.

Phó phát ngôn của LDPR Igor Lebedev cho rằng “đây là một sai lầm địa chính trị lớn. Nó có thể dẫn đến tình huống nhiều người Trung Quốc sinh sống tại Zabaikalye hơn người Nga, và sau đó họ có thể được bầu vào chính quyền địa phương, rồi trong 20-30 năm tới họ tuyên bố Zabaikalye là một phần của Trung Quốc”, ông Lebedev nhấn mạnh.

Hồi cuối tuần trước, một công ty của Trung Quốc có tên Huae Sinban đã tiếp cận chính quyền vùng Trans-Baikal, bày tỏ ý định thuê 115.000ha đất để trồng trọt và chăn nuôi gia súc tại khu vực Đông Siberia, gần biên giới Trung Quốc.

Giới chức địa phương cho biết thỏa thuận trị giá tới 448 triệu USD.

Các lãnh đạo chính quyền địa phương đã ký “thư ngỏ” với công ty này, Itar-Tass đưa tin.

Công ty Trung Quốc có kế hoạch thuê vùng đất trong 49 năm, tương tự như cách nước này vẫn thuê đất canh tác tại các quốc gia khác.

Theo nhà kinh tế học Natalya Zubarevich của Đại học Quốc gia Mátxcơva, hoàn toàn “không khả thi” khi thuê một vùng rộng lớn như vậy để canh tác, bởi vùng đất này đòi hỏi rất nhiều công sức cải tạo trong thời tiết khắc nghiệt.

Trong bản kế hoạch, Huae Sinban đề cập đến khả năng trồng cây lấy dầu thực vật. Tuy nhiên, bà Zubarevich cho rằng “hoa hướng dương không thể mọc ở vùng đó”.
 
“Khu vực ấy không có nhiều bãi cỏ do khí hậu lục địa khắc nghiệt. Người Trung Quốc rất giỏi, nhưng liệu họ có thể khắc phục được điều kiện khí hậu?”

Thanh Tùng
Theo Tass, BBC