Nga: "Những cái đầu nóng" ở phương Tây muốn gửi quân tới Ukraine
(Dân trí) - Điện Kremlin cho rằng một số chính trị gia ở phương Tây dường như ủng hộ việc gửi quân tới Ukraine để đối phó Nga.
Giới tinh hoa châu Âu không thể nhất trí về ý tưởng gửi quân đội từ quốc gia của họ hoặc ít nhất là lính đánh thuê tư nhân đến Ukraine, nhưng một số "cái đầu nóng" đang cân nhắc về lựa chọn này, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhận định.
Ông Peskov bình luận về bài viết của báo Pháp Le Monde, trong đó nói rằng giới tinh hoa châu Âu đã tiếp tục thảo luận về ý tưởng gửi quân đội tới Ukraine trước khả năng chính quyền tương lai của Mỹ do Tổng thống đắc cử Donald Trump lãnh đạo có thể cắt giảm sự hỗ trợ cho Kiev.
"Bạn và tôi không biết những bài báo này giống tới mức nào với thực tế", ông Peskov nói với các phóng viên.
"Trước đó, tất nhiên, một số nước châu Âu đã đưa ra những ý tưởng như vậy nhưng cũng có nhiều phát biểu phản đối điều này. Không có sự thống nhất ở châu Âu về vấn đề này, nhưng tất nhiên, một số những cái đầu nóng đã ủng hộ", ông nói thêm.
Trước đó Le Monde dẫn nguồn tin giấu tên nói rằng, các nước châu Âu dường như đang bàn bạc về khả năng triển khai quân đội hoặc lính đánh thuê từ các công ty quân sự tư nhân đến Ukraine.
Nguồn tin cho hay, cuộc thảo luận về chủ đề này diễn ra sau khi Thủ tướng Anh Keir Starmer đến thăm Pháp vào ngày 11/11. Tuy nhiên, một số nước EU vẫn tiếp tục phản đối các kế hoạch mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lần đầu công bố tại cuộc họp của các đồng minh của Ukraine tại Paris vào tháng 2.
"Anh và Pháp đang đàm phán về hợp tác quốc phòng, đặc biệt nhằm mục đích tạo ra một liên minh mạnh mẽ gồm các đồng minh ở châu Âu tập trung vào hỗ trợ Ukraine và tăng cường an ninh châu Âu trong bối cảnh rộng hơn", một quan chức quốc phòng Anh giấu tên cho biết.
Le Monde nhấn mạnh rằng giới lãnh đạo Pháp và Bộ Quốc phòng nước này vẫn chưa chấp thuận việc gửi quân đội hoặc lính đánh thuê đến Ukraine. Tuy nhiên, ý tưởng này đã được thảo luận trong nhiều tháng.
Hồi đầu năm, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề cập tới khả năng gửi bộ binh đến Ukraine. Khi đó, ông Macron thừa nhận, nhiều lãnh đạo châu Âu không đồng thuận với phương án đó, nhưng không nên loại trừ kịch bản như vậy xảy ra trong tương lai.
Sau đó, ông Peskov cảnh báo rằng sự xuất hiện của binh sĩ phương Tây ở Ukraine sẽ gây ra hậu quả tiêu cực, bao gồm cả những hậu quả không thể khắc phục được.
Hôm 10/11, Đô đốc Rob Bauer, người đứng đầu Ủy ban Quân sự NATO, thừa nhận: "Tôi hoàn toàn chắc chắn rằng nếu Nga không có vũ khí hạt nhân, chúng tôi đã có mặt ở Ukraine để đẩy lùi Nga".
Vào tháng 3, ông Bauer từng tuyên bố NATO đã chuẩn bị cho kịch bản một cuộc đụng độ trực tiếp tiềm tàng với Nga.
Mỹ và một số đồng minh NATO nhiều lần khẳng định không có kế hoạch đưa quân đến Ukraine vì lo ngại trở thành một bên tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột ở Ukraine. Phương Tây đến nay chỉ dừng lại ở việc cung cấp vũ khí, hỗ trợ huấn luyện quân sự cho Kiev.