Nga nêu trường hợp sử dụng vũ khí hạt nhân, cảnh báo nguy cơ thế chiến
(Dân trí) - Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga cảnh báo các nước có thể đang trên bờ vực của một cuộc chiến tranh thế giới mới và nguy cơ đối đầu hạt nhân đang gia tăng.
"Thế giới đang suy yếu và có lẽ đang trên bờ vực của một cuộc chiến tranh thế giới mới", Reuters dẫn lời Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev phát biểu tại một hội nghị ở Moscow hôm 25/4.
Ông Medvedev cho rằng, một cuộc chiến tranh thế giới mới vẫn có thể tránh được, nhưng nguy cơ đối đầu hạt nhân đang gia tăng và còn nghiêm trọng hơn những lo ngại về biến đổi khí hậu.
Theo cựu Tổng thống Nga, Moscow có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nếu các hành động gây hấn đe dọa đến sự tồn tại của nhà nước Nga.
"Bạn nói rằng Nga sẽ không bao giờ sử dụng vũ khí hạt nhân trước, nhưng điều đó không hoàn toàn như vậy", ông Medvedev nói, trích dẫn điều 19 trong học thuyết hạt nhân của Nga, trong đó đề cập đến các trường hợp Moscow được sử dụng vũ khí hạt nhân.
"Học thuyết đã tuyên bố rõ ràng rằng, vũ khí hạt nhân có thể được sử dụng khi có hành động gây hấn chống lại Nga bằng cách sử dụng các loại vũ khí khác gây nguy hiểm cho chính sự tồn tại của nhà nước Nga. Về cơ bản, việc sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm đáp trả những hành động như vậy. Các đối thủ không nên xem thường tiềm năng của chúng tôi", ông Medvedev nhấn mạnh.
Ông Medvedev khẳng định, vũ khí hạt nhân có tầm quan trọng tối cao đối với sự tồn tại của Nga với tư cách là một nước lớn trên thế giới.
"Có thể có những lập trường khác nhau đối với vũ khí hạt nhân và vũ khí nói chung, tuy nhiên chúng ta hiểu rằng trong thế giới ngày nay, vũ khí hạt nhân đối với đất nước chúng ta có ý nghĩa như một mối liên kết giữ các quốc gia lại với nhau", quan chức Nga nói thêm.
Trước đó, ông Medvedev nhiều lần đề cập tới học thuyết hạt nhân của Nga, trong đó nêu các trường hợp Moscow có thể sử dụng vũ khí hạt nhân. Theo ông Medvedev, trường hợp đầu tiên là Nga bị tấn công bằng tên lửa hạt nhân. Trường hợp thứ hai là bất kỳ loại vũ khí hạt nhân nào khác được sử dụng để chống lại Nga hoặc các đồng minh của Nga. Trường hợp thứ ba là một cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng trọng yếu làm tê liệt các lực lượng răn đe hạt nhân của Nga. Trường hợp thứ tư là khi xuất hiện hành động thù địch nhằm vào Nga và các đồng minh, gây nguy hiểm cho sự tồn vong của đất nước, dù chỉ bằng vũ khí thông thường, chứ chưa bao gồm vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố thế giới đang đối mặt thập niên nguy hiểm nhất kể từ Thế chiến 2. Ông Putin gọi chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine là cuộc chiến sống còn của Nga trước một phương Tây gây hấn.
Tháng 10/2022, Tổng thống Putin tuyên bố Nga có một học thuyết quân sự, trong đó quy định những trường hợp Moscow có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và đảm bảo an ninh của người dân Nga.
Phương Tây nhận định mối đe dọa hạt nhân ở Ukraine tăng lên gần đây, đặc biệt sau khi Nga sáp nhập 4 vùng ly khai ở Ukraine hồi năm ngoái. Nga hiện sở hữu kho dự trữ vũ khí hạt nhân hàng đầu thế giới.