Nga nêu "thủ phạm" đứng sau vụ tấn công đường ống khí đốt
(Dân trí) - Ngoại trưởng Nga cáo buộc Mỹ chỉ thị cho Ukraine tấn công đường ống dẫn khí TurkStream.
Vào ngày 13/1, Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc Ukraine đã tiến hành một cuộc tấn công bất thành bằng 9 máy bay không người lái (UAV) tự sát vào một trạm nén khí gần làng Gaikodzor ở vùng Krasnodar của Nga.
Địa điểm này rất quan trọng đối với hoạt động của đường ống TurkStream, cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga cho Thổ Nhĩ Kỳ và một số quốc gia châu Âu khác, qua Biển Đen.
Trong cuộc họp báo vào ngày 14/1, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng Mỹ có thể đã tham gia vào nỗ lực phá hoại một cơ sở khí đốt.
"Tôi có niềm tin rất mạnh mẽ rằng Mỹ không muốn có bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào trong bất kỳ lĩnh vực nào, bắt đầu từ năng lượng", ông Lavrov tuyên bố.
Ngoại trưởng Nga tiếp tục cáo buộc Mỹ khuyến khích các hành động làm suy yếu sự ổn định năng lượng của châu Âu. Ông tuyên bố Mỹ "đang bật đèn xanh cho các hoạt động khủng bố để phá hủy nền tảng an ninh năng lượng của EU".
"Mỹ đang kích động Ukraine vô hiệu hóa TurkStream sau cuộc tấn công vào đường ống Nord Stream", ông Lavrov cho biết.
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto tuyên bố Budapest sẽ coi bất kỳ nỗ lực nào nhằm phá hoại TurkStream là làm suy yếu chủ quyền quốc gia.
"Đường ống này là không thể thiếu để cung cấp khí đốt tự nhiên cho Hungary", Ngoại trưởng Szijjarto giải thích, đồng thời kêu gọi "các bên tôn trọng sự an toàn và khả năng vận hành của tuyến đường ống này".
Nhiều quốc gia ở Nam Âu, bao gồm cả Hungary, thành viên EU, đang sử dụng tuyến đường này để nhận khí đốt.
Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc cuộc tấn công của Ukraine nhằm "chấm dứt việc cung cấp khí đốt cho các quốc gia châu Âu" thông qua quốc gia trung lập.
Ukraine đã từ chối gia hạn hợp đồng vận chuyển khí đốt với Nga sau khi thỏa thuận hết hạn vào đầu năm nay. Trước đó, hợp đồng này cho phép khí đốt của Nga được cung cấp đến một số quốc gia EU thông qua lãnh thổ Ukraine. Slovakia, một trong những quốc gia bị ảnh hưởng bởi quyết định này, đã cáo buộc Ukraine gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng.
Đường ống TurkStream bắt đầu hoạt động vào tháng 1/2020 và có công suất hàng năm 31,5 tỷ m3. Phần dưới biển của đường ống kéo dài khoảng 930km, trong khi trạm Russkaya là điểm xuất phát của khí đốt trên lãnh thổ Nga.
Một trong hai nhánh của đường ống phục vụ khách hàng ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhánh còn lại dẫn khí đến Hungary, Serbia, Bulgaria, Slovakia, Bosnia và Herzegovina, cũng như Hy Lạp. Các quan chức Nga nhiều lần cáo buộc Kiev tìm cách phá hoại tuyến năng lượng này trong những năm gần đây.
Vào tháng 9/2022, một loạt vụ nổ đã làm hư hại nặng nề cả 2 đường ống dẫn khí Nord Stream được xây dựng để vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Nga đến Đức và phần còn lại của EU.
Vụ nổ làm gián đoạn hoạt động cung cấp khí đốt của Nga sang châu Âu qua Nord Stream.
Các nhà điều tra cho biết đã tìm thấy dấu vết của chất nổ tại hiện trường và nghi ngờ có hành động cố ý làm nổ các đường ống. Cả Nga và phương Tây đều coi đây là một vụ phá hoại có chủ đích và liên tục cáo buộc phía còn lại đứng sau sự cố với 2 đường ống.
Dòng khí đốt qua đường ống từ Nga sang châu Âu đã sụt giảm đáng kể sau khi xung đột bùng phát ở Ukraine. Châu Âu đã thể hiện quyết tâm sẽ "cai" năng lượng từ Nga để gây áp lực buộc Moscow dừng chiến dịch quân sự.
Các nước châu Âu đã nỗ lực tìm phương án thay thế khí đốt chảy qua đường ống Nga, trong đó có việc nhập khẩu LNG. Tuy nhiên, giá LNG nhập khẩu từ nước ngoài đắt hơn rất nhiều so với khí đốt tự nhiên được cung cấp qua đường ống từ Nga theo các hợp đồng dài hạn.