Nga nêu rõ điều kiện đàm phán chấm dứt xung đột với Ukraine
(Dân trí) - Quan chức Nga cho biết Nga sẽ chỉ đàm phán sau khi đạt được tất cả mục tiêu trong chiến dịch quân sự tại Ukraine.
"Nga không từ chối các cuộc đàm phán, nhưng Nga chỉ đàm phán sau khi tất cả các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt, gồm phi phát xít hóa và phi quân sự hóa chính quyền Kiev, đạt được và có tính đến thực tế là các vùng lãnh thổ mới là một phần của Nga. Đây là điều chúng tôi nhấn mạnh", ông Leonid Slutsky, chủ tịch ủy ban đối ngoại Duma Quốc gia Nga (Hạ viện), tuyên bố hôm 8/12.
Trước đó, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jonathan Finer cho biết Mỹ đang nỗ lực để Nga ngồi vào bàn đàm phán nhằm giải quyết xung đột Ukraine vào cuối năm tới với những điều kiện có lợi cho Kiev.
"Phó cố vấn của Mỹ, dù là người chịu trách nhiệm về an ninh quốc gia, cũng khó có thể đưa ra các điều kiện cho các cuộc đàm phán của Ukraine với Nga. Kiev càng không có khả năng đưa ra các điều kiện đàm phán của chính họ. Sẽ là điều không tưởng nếu nghĩ rằng quan điểm này có thể thay đổi căn bản theo hướng tốt hơn cho quân đội Ukraine vào năm 2024, mà hãy nghĩ theo hướng ngược lại", ông Slutsky nhấn mạnh.
Hồi tháng 8 năm ngoái, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nga từng tuyên bố Moscow sẵn sàng thảo luận phương án đàm phán với Ukraine, nếu Kiev chấp thuận đầu hàng, phi phát xít hóa.
"Chúng tôi sẵn sàng cân nhắc một quá trình đàm phán, nếu phía Ukraine sẵn sàng đầu hàng vô điều kiện, giảm lực lượng vũ trang, cũng như phi phát xít hóa hoàn toàn, tuyệt đối và vô điều kiện", ông Slutsky nói.
Ông Slutsky khẳng định Nga sẵn sàng thảo luận về việc nối lại các cuộc đàm phán với Ukraine nếu Kiev cũng sẵn sàng cho điều đó.
Tuy nhiên, ông Slutsky cho biết, Nga nhận thấy Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky không có ý định đối thoại.
Năm ngoái, Tổng thống Zelensky ký sắc lệnh không đàm phán với chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin. Moscow nhiều lần cáo buộc sắc lệnh này đã cản trở hòa đàm giữa Nga và Ukraine, đồng thời cho rằng những điều kiện mà Kiev đưa ra "không thực tế".
Theo ông Zelensky, Nga chưa sẵn sàng ngừng xung đột, "do đó chúng tôi (Ukraine) không thể bàn đến hòa bình". Ông cũng cảnh báo, nếu Nga giành chiến thắng ở Ukraine, các nước NATO sẽ là mục tiêu tiếp theo.
Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ cuối tháng 2 năm ngoái với mục tiêu "phi quân sự hóa" và "phi phát xít hóa" quốc gia láng giềng. Xung đột đã bước sang năm thứ 2 nhưng chưa có dấu hiệu chấm dứt, Nga tiếp tục tiến công ở miền Đông và nhắm vào các mục tiêu trên khắp Ukraine, trong khi Ukraine đã tiến hành chiến dịch phản công, đặc biệt ở miền Nam.
Nga tuyên bố sẵn sàng đàm phán, nhưng với điều kiện Ukraine phải thừa nhận "thực tế mới về lãnh thổ". Thực tế mà Moscow đề cập đến là việc các vùng lãnh thổ gồm Zaporizhia, Kherson, Lugansk, Donetsk sáp nhập vào Nga hồi tháng 10 năm ngoái và bán đảo Crimea sáp nhập năm 2014 sau các cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi.
Trong khi đó, giới chức Ukraine tuyên bố hòa đàm chỉ diễn ra khi Nga rút hết quân khỏi lãnh thổ Ukraine, bao gồm Crimea. Ngoài ra, Ukraine muốn mọi cuộc đàm phán hòa bình phải dựa trên cơ sở "công thức hòa bình" gồm 10 điểm do Tổng thống Zelensky đưa ra cuối năm ngoái.