1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Quan chức Nga tiết lộ điều kiện hòa bình đề xuất với Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Người dẫn đầu nhóm đàm phán của Nga cho biết Ukraine có thể đã chấm dứt xung đột vào năm ngoái nếu công nhận nền độc lập của hai vùng ly khai Donbass và Crimea.

Quan chức Nga tiết lộ điều kiện hòa bình đề xuất với Ukraine - 1

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu chủ trì các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine tại văn phòng tổng thống ở Istanbul hồi tháng 3/2022 (Ảnh: Getty).

Ông Vladimir Medinsky, người dẫn đầu nhóm đàm phán của Nga với Ukraine, ngày 28/11 cho biết, Kiev có thể đã chấm dứt xung đột vào tháng 4/2022 bằng cách công nhận nền độc lập của hai nước cộng hòa (tự xưng) ở vùng Donbass và bán đảo Crimea là vùng lãnh thổ thuộc Nga.

"Trong số những yêu cầu không thể thương lượng của chúng tôi có việc công nhận chủ quyền của Nga đối với Crimea, công nhận nền độc lập của các nước cộng hòa (tự xưng) Donbass", ông Medinsky nói.

Ông nói thêm rằng Moscow cũng có "một danh sách dài các yêu cầu nhân đạo" liên quan đến "bảo vệ người dân nói tiếng Nga ở Donbass".

Cựu bộ trưởng văn hóa từng dẫn đầu phái đoàn Nga tại cuộc đàm phán ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), nơi ông nói Ukraine "đã bỏ lỡ cơ hội" chấm dứt chiến tranh và cứu "hàng trăm nghìn sinh mạng" binh lính nước này.

Ông Medinsky khẳng định "Nga chưa bao giờ đặt mục tiêu chinh phục Ukraine" và mục tiêu chính trong chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine là bảo vệ người dân nói tiếng Nga.

"Tuy nhiên, theo lời khuyên của phương Tây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã chọn chiến tranh", ông Medinsky nói.

Trưởng phái đoàn Ukraine tại cuộc đàm phán ở Istanbul, David Arakhamia, trước đó đã xác nhận những tin đồn lan truyền từ lâu rằng, cuộc xung đột lẽ ra đã kết thúc chỉ sau hai tháng, nếu Kiev chấp nhận yêu cầu trung lập của Moscow.

"Đây là vấn đề chính đối với họ: Họ sẵn sàng kết thúc chiến tranh nếu chúng tôi chấp nhận trung lập, giống như Phần Lan đã từng làm. Và chúng tôi sẽ cam kết rằng chúng tôi không gia nhập NATO. Đây là vấn đề chính", ông Arakhamia nói với đài truyền hình Ukraine tuần trước.

Cuối tháng 3 năm ngoái, khoảng một tháng sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, hai bên đã tiến hành đàm phán ở Istanbul. Tuy nhiên, đàm phán đổ vỡ vào phút chót.

Moscow nhiều lần cáo buộc phương Tây "giật dây" khiến Ukraine rút khỏi đàm phán vào phút chót mặc dù Kiev khi đó đã sẵn sàng ký vào thỏa thuận hòa bình với Nga.

Ông Arakhamia đã bác bỏ cáo buộc này. Ông Arakhamia cho biết, phái đoàn đàm phán của Ukraine khi đó không sẵn sàng ký bất cứ một thỏa thuận nào với Nga và cũng không có chuyện Kiev đổi ý phút chót do sức ép của phương Tây.

Ông giải thích, phái đoàn không có quyền ký kết một thỏa thuận như vậy, về lý thuyết, một thỏa thuận hòa bình chỉ có thể được ký tại cuộc họp giữa nguyên thủ hai nước.

Quan chức này nói thêm, các đối tác phương Tây biết về các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine, thậm chí được thấy dự thảo thỏa thuận, nhưng không tìm cách gây sức ép, mà chỉ cố vấn cho Ukraine.

Moscow nhiều lần tuyên bố sẵn sàng đàm phán, nhưng với điều kiện Ukraine phải thừa nhận "thực tế mới về lãnh thổ". Thực tế mà Moscow đề cập đến là việc các vùng lãnh thổ gồm Zaporizhia, Kherson, Lugansk, Donetsk sáp nhập vào Nga hồi tháng 10 năm ngoái và bán đảo Crimea sáp nhập năm 2014 sau các cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi.

Trong khi đó, giới chức Ukraine tuyên bố hòa đàm chỉ diễn ra khi Nga rút hết quân khỏi lãnh thổ Ukraine, bao gồm Crimea.

Theo RT