1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nga nêu "công thức hòa bình" duy nhất chấm dứt xung đột Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Nga tuyên bố không tham gia bất kỳ hội nghị thượng đỉnh nào về giải quyết xung đột Ukraine theo điều kiện của Kiev.

Nga nêu công thức hòa bình duy nhất chấm dứt xung đột Ukraine - 1

Lính Nga ở Ukraine (Ảnh: Tass).

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 15/7 nói rằng các đại diện của Nga nên tham gia hội nghị lần thứ hai về giải quyết xung đột Ukraine. Việc chuẩn bị cho hội nghị này sẽ hoàn tất vào tháng 11.

"Trước hết, cách thức này hoàn toàn không thể chấp nhận được. Không có "nên"! Nga chắc chắn không mắc nợ ông Zelensky và chính quyền của ông ấy! Và tôi chắc chắn, Nga sẽ không tham gia vào bất kỳ cái gọi là hội nghị thượng đỉnh nào theo điều kiện của Kiev và các ông chủ phương Tây của họ", ông Leonid Slutsky, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga, bình luận trên Telegram.

Ông Slutsky nhắc lại rằng Nga đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng đối thoại, "nhưng phải tính đến thực tế hiện nay, bao gồm các vùng lãnh thổ đã được ghi nhận trong Hiến pháp Liên bang Nga".

"Chúng tôi sẽ đàm phán với ai? Đó là một câu hỏi khác. Tôi hoài nghi việc đàm phán với những người đứng đầu chính quyền Ukraine "đã hết nhiệm kỳ". Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội có thể đóng vai trò là thể chế hợp pháp duy nhất ở Ukraine hiện nay, nếu cuộc bầu cử tổng thống bị hủy bỏ. Nhưng quyền lực ở đó đã bị chiếm đoạt", quan chức Nga cho biết thêm.

Ông lưu ý rằng hiện nay đã có một danh sách các "sáng kiến hòa bình" của Trung Quốc, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ. "Nhưng "công thức hòa bình" chính xác và hiệu quả nhất để chấm dứt xung đột và tìm kiếm thỏa hiệp đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin nêu ra. Đây là điều chúng ta nên lấy làm tiền đề", ông Slutsky nhấn mạnh.

Hội nghị đầu tiên về Ukraine được tổ chức vào ngày 15-16/6 tại Burgenstock, Thụy Sĩ theo yêu cầu của Kiev. Tuyên bố cuối cùng của hội nghị không nhận được chữ ký của Armenia, Bahrain, Brazil, Colombia, Ấn Độ, Indonesia, Iraq, Jordan, Libya, Mexico, Rwanda, Ả Rập Xê Út, Nam Phi, Thái Lan, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Vatican. Nga không được mời tham dự hội nghị. Phái đoàn của hầu hết các nước thành viên Liên hợp quốc cũng vắng mặt.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng hội nghị hoàn toàn thất bại và những sự kiện như vậy không thể là cơ sở cho hòa bình lâu dài.

Tổng thống Putin đã đưa ra một đề xuất hòa bình mới nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine. Đề xuất này dự kiến công nhận bán đảo Crimea, Cộng hòa nhân dân Donetsk và Lugansk (tự xưng) cũng như các khu vực Kherson và Zaporizhia là các khu vực của Nga, duy trì tình trạng không liên kết và phi hạt nhân của Ukraine, phi quân sự hóa và phi phát xít hóa nước này cũng như dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga.

Tuy nhiên, Ukraine đã bác bỏ sáng kiến này. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mô tả đề xuất của Moscow là tối hậu thư, trong khi cố vấn của ông Zelensky, Mikhail Podolyak, nói rằng các sáng kiến mới của Nga "không có đề xuất hòa bình thực sự".

Ông Putin nhiều lần khẳng định Tổng thống Volodmyr Zelensky không còn là lãnh đạo hợp pháp của Ukraine. Ông Putin lý giải, không điều khoản nào trong hiến pháp Ukraine nói về gia hạn quyền lực của tổng thống sau khi nguyên thủ hết nhiệm kỳ.

Theo quy định của Hiến pháp Ukraine, nhiệm kỳ của Tổng thống Volodymyr Zelensky chấm dứt từ ngày 21/5.

Theo kế hoạch ban đầu, một cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra tại Ukraine vào ngày 31/3 để chọn ra người kế nhiệm ông Zelensky. Tuy nhiên, cuối năm ngoái, ông Zelensky cho biết, Ukraine sẽ không tổ chức bất kỳ một cuộc bầu cử nào trong giai đoạn thiết quân luật như hiện nay.

Ukraine bắt đầu thiết lập tình trạng thiết quân luật kể từ khi xung đột với Nga nổ ra hồi tháng 2/2022. Kể từ đó đến nay, quốc hội nước này đã nhiều lần gia hạn thiết quân luật.

Theo Tass

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm