Nga - Mỹ tạo thế để thỏa thuận tại Syria?
Không chỉ có Nga, Mỹ cũng đang xây 2 căn cứ không quân tại miền Bắc Syria trong nỗ lực tạo thế thỏa thuận chia phần.
Mỹ xây 2 căn cứ không quân tại Syria
Truyền thông Mỹ ngày 6/3 dẫn trang tin BasNews của người Kurd cho biết, Washington sắp hoàn tất việc thiết lập một căn cứ không quân tại miền Bắc Syria do người Kurd kiểm soát và đang triển khai xây dựng căn cứ thứ hai phục vụ cả mục đích quân sự lẫn dân sự.
Theo nguồn tin trên, Mỹ đã hoàn thành phần lớn khối lượng công việc tại một đường băng ở thị trấn Rmeilan thuộc tỉnh Hasaka, trong khi đó một căn cứ không quân mới đang được xây dựng tại phía Đông Nam thành phố Kobani, sát biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.
Giới chức người Kurd tại Syria cho hay, đường băng tại Rmeilan đã đang được trực thăng của quân đội Mỹ sử dụng để phục vụ công tác hậu cần và vận chuyển.
Trước đó, ngày 21/1, hãng tin RT của Nga cũng đưa ra các bằng chứng về việc không quân Mỹ đang hiện đại hóa một sân bay bỏ hoang ở miền Đông Bắc Syria - khu vực do các đơn vị tự vệ người Kurd kiểm soát.
Theo RT, các chuyên gia Mỹ đang chuẩn bị xây đường băng và các cơ sở hạ tầng quan trọng khác của căn cứ mới này.
Trong năm 2015, Washington đã điều hàng chục lính đặc nhiệm tới miền Bắc Syria để cố vấn cho lực lượng đối lập trong cuộc chiến chống phiến quân IS.
Nhiều nguồn tin cũng cáo buộc Mỹ đã thả đạn dược tiếp tế cho các nhóm nổi dậy trong tỉnh trên.
Mỹ-Nga đang tạo thế chia phần ở Syria?
Trước đây chỉ có Nga tiến hành hoạt động không kích ở Syria từ cơ sở nằm bên trong lãnh thổ quốc gia Trung Đông này. Với việc Mỹ tiến hành xây thêm hai căn cứ không quân tại Damascus, giới phân tích cho rằng Washington và Moskva đang tạo thế cân bằng nhằm đạt được các thỏa thuận trong việc phân chia Syria. Một khi Nhà Trắng hoàn thành những căn cứ này, việc phân chia quyền lợi sẽ rõ ràng và không bên nào phải chịu thua thiệt.
Thực tế thỏa thuận hòa bình từ ngày 27/2 về việc các bên tạm thời ngừng bắn tại Syria, công nhiều thuộc về Nga và Mỹ. 2 ông lớn đã dẹp bỏ những bất đồng, nhất là trong vấn đề người Kurd để cùng bắt tay nhau trong nỗ lực tìm ra một giải pháp chính trị tích cực tại quốc gia Trung Đông này.
Trong khi Nga kêu gọi các bên thực hiện nghiêm các quy định trong thỏa thuận ngừng bắn thì Bộ Ngoại giao Mỹ cũng tuyên bố sẽ theo dõi và xem xét nghiêm túc vấn đề.
“Chúng tôi đang theo dõi chặt các báo cáo vi phạm lệnh ngừng các hành động thù nghịch. Chúng tôi sẽ xem xét các cáo buộc một cách nghiêm túc và hối thúc tất cả các bên tiếp tục thực hiện kiềm chế”, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói.
Mới đây, khi thỏa thuận ngừng bắn về Syria đang mong manh vì bị nhiều bên vi phạm thì một lần nữa Washington và Moskva tuyên bố cần sớm nối lại cuộc hòa đàm giữa 2 bên sau cuộc điện đàm.
Theo hãng tin TASS của Nga ngày 4/3, Ngoại trưởng Nga Lavrov và người đồng cấp Mỹ John Kerry đã kêu gọi nối lại càng sớm càng tốt các cuộc đàm phán giữa Chính phủ Syria và phe đối lập, để người dân Syria có thể tự quyết định tương lai của đất nước mình. Ngoại trưởng Nga và Mỹ cũng tái khẳng định sự cần thiết phải hợp tác nhằm đảm bảo chấm dứt các hành động thù địch ở Syria.
Rõ ràng, cả Nga và Mỹ đang ngày càng hiểu rõ hơn việc duy trì hòa bình, ổn định tại Syria là chìa khóa để việc phân chia ảnh hưởng, quyền lợi giữa các bên được thuận lợi hơn. Toan tính của Moskva và Nhà Trắng đã từng bị tờ báo mạng tin tình báo Debka (Israel) chỉ rõ trong một thông báo gần đây.
Theo Debka, từ tháng 12/2015, giữa tổng thống Obama và đồng cấp người Nga Putin đã có sự nhất trí về một thỏa thuận bí mật nhằm chấm dứt xung đột Syria. Đó là sự phân vùng ảnh hưởng và trách nhiệm quân sự của mỗi bên. Mỹ sẽ phụ trách các khu vực phía đông sông Euphrates, còn Nga bao quát vùng lãnh thổ bờ tây của sông.
Trang tin cũng chỉ rõ, bản đồ giao tranh cho thấy, các lực lượng trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad được sự hỗ trợ của không quân Nga liên tục tấn công, giành quyền kiểm soát các vùng đất ở phía nam, miền trung và tây Syria, trong đó có Damascus, thành phố Daraa, Homs, Hama và Latakia và một phần Aleppo.
Liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu thì vẫn “hoạt động mạnh” tại các thành phố Hassakeh và Qamishli ở phía bắc, thành trì Raqqa của IS và vùng biên giới Syria – Iraq. Còn biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ dưới quyền kiểm soát của lực lượng người Kurd là nơi điều phối ảnh hưởng của cả Mỹ và Nga.
Theo Lương Sơn (Tổng hợp)
Đất Việt