1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga lên tiếng sau khi Mỹ "cấm cửa" nhiên liệu hạt nhân Moscow

Đức Hoàng

(Dân trí) - Moscow bình luận sau khi Mỹ ban hành đạo luật cấm nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân từ Nga.

Nga lên tiếng sau khi Mỹ cấm cửa nhiên liệu hạt nhân Moscow - 1

Nga là một trong những nhà cung cấp uranium làm giàu lớn cho Mỹ (Ảnh: Reuters).

Tập đoàn hạt nhân nhà nước Rosatom của Nga hôm 14/5 cho biết lệnh cấm của Mỹ đối với nhiên liệu hạt nhân của Nga là một động thái chính trị mang tính phân biệt đối xử, sẽ làm suy yếu thị trường toàn cầu về uranium làm giàu. Tuy nhiên, Rosatom cho biết họ sẽ tiếp tục phát triển hoạt động kinh doanh toàn cầu của mình.

Trước đó, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 13/5  đã ký đạo luật cấm nhập khẩu uranium làm giàu của Nga. Đây là nỗ lực mới nhất của Washington nhằm gây áp lực lên chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine.

Khoảng 24% lượng uranium làm giàu do các nhà máy điện hạt nhân của Mỹ sử dụng đến từ Nga. 

Rosatom cho biết: "Chúng tôi coi việc Mỹ cấm nhập khẩu uranium làm giàu của Nga là hành vi phân biệt đối xử và phi thị trường. Rosatom duy trì vị thế vững chắc là công ty dẫn đầu toàn cầu về công nghệ hạt nhân và sẽ tiếp tục phát triển quan hệ với các đối tác nước ngoài quan tâm đến hợp tác lâu dài".

Năm 2022, Rosatom cho biết rằng họ là một trong những công ty lớn nhất thế giới về uranium làm giàu, chiếm 35% thị phần toàn cầu. Họ cũng nắm giữ trữ lượng uranium lớn thứ 2 thế giới.

Điện Kremlin cho biết quyết định của Mỹ cấm nhiên liệu hạt nhân của Nga không có ý nghĩa quan trọng đối với Moscow.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên: "Đây không gì khác hơn là sự cạnh tranh không lành mạnh. Ngành công nghiệp hạt nhân của chúng tôi là một trong những ngành tiên tiến nhất trên thế giới, nó cực kỳ cạnh tranh và chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển ngành này".

Theo ông Peskov, vì Mỹ cảm thấy khó cạnh tranh với Nga nên Washington đã sử dụng biện pháp nhằm bóp méo và làm suy yếu các chuẩn mực của thị trường toàn cầu.

Lệnh cấm nhập khẩu nhiên liệu cho các nhà máy điện hạt nhân của Mỹ sẽ có hiệu lực sau 90 ngày. Tuy nhiên, lệnh này cũng cấp quyền cho Bộ Năng lượng Mỹ quyền miễn trừ trong trường hợp có lo ngại về nguồn cung.

Điều này có nghĩa là Washington vẫn có thể nhập khẩu uranium làm giàu của Nga nếu họ không tìm được nguồn thay thế.

Mỹ có trữ lượng uranium riêng nhưng không đủ để cung cấp cho ngành điện hạt nhân của nước này. 

Theo một số ước tính, Mỹ sẽ phải mất ít nhất 5 năm đầu tư quy mô lớn để phá vỡ sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu uranium đã làm giàu của Nga dùng làm nhiên liệu cho các lò phản ứng hạt nhân.

Theo Reuters