1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nga lần đầu trở thành nhà xuất khẩu khí đốt lớn nhất sang châu Âu sau 2 năm

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nga tiếp tục tăng cường xuất khẩu khí đốt sang châu Âu khi mùa đông tới gần, dấu hiệu cho thấy EU khó "đoạn tuyệt" với nguồn năng lượng của Moscow.

Nga lần đầu trở thành nhà xuất khẩu khí đốt lớn nhất sang châu Âu sau 2 năm - 1

Nga vẫn là nhà cung cấp khí đốt hàng đầu cho châu Âu trong những năm qua (Ảnh: Reuters).

Nga đã trở thành quốc gia xuất khẩu khí đốt lớn nhất sang EU lần đầu tiên vào tháng 9 năm nay kể từ mùa xuân năm 2022, với thị phần đạt 23,7%, Sputnik dựa trên dữ liệu từ Văn phòng Thống kê Châu Âu (Eurostat), đưa tin hôm 21/11.

Vào tháng 9, các công ty châu Âu đã mua 1,48 tỷ USD khí đốt từ Nga, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) chiếm 40% lượng mua, 60% còn lại là khí đốt qua đường ống.

Lần cuối cùng Nga là nhà xuất khẩu lớn nhất sang châu Âu là vào tháng 5/2022 khi thị phần của Moscow chiếm 22,9%. Trong tháng 9, thị phần của Nga là 23,74%, tăng so với con số 16,54% hồi tháng 8. Thị phần khí đốt của Mỹ xuất khẩu sang châu Âu là 21%, đứng thứ 3 sau Algeria.

EU từ lâu đã tuyên bố sẽ dừng sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga, coi đây là một trong những ưu tiên chính sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022.

Tuy nhiên, các dấu hiệu trong thời gian qua cho thấy, châu Âu gặp thách thức trong việc đoạn tuyệt với khí đốt Nga. Nguồn cung cấp của Nga bao gồm cả LNG và khí đốt đường ống, chảy vào EU qua Belarus và Ukraine và qua đường ống dẫn khí đốt ngầm TurkStream.

Hồi tháng 9, Dmitry Birichevsky, người đứng đầu bộ phận hợp tác kinh tế tại Bộ Ngoại giao Nga, cho rằng chính sách trừng phạt của EU áp lên Nga đã thất bại.

Trong thời gian qua, các nước châu Âu đã nỗ lực tìm phương án thay thế khí đốt chảy qua đường ống Nga, trong đó có việc nhập khẩu LNG. Tuy nhiên, giá LNG nhập khẩu từ nước ngoài đắt hơn rất nhiều so với khí đốt tự nhiên được cung cấp qua đường ống từ Nga theo các hợp đồng dài hạn.

Không chỉ mua LNG từ Mỹ, châu Âu cũng mua LNG từ Nga trong thời gian qua, vì mặt hàng này không bị trừng phạt. Điều này gây ra nghịch lý khi châu Âu giảm mua khí đốt Nga qua đường ống, nhưng lại tăng nhập khẩu LNG từ Moscow vào năm ngoái. Điều đó cũng khiến châu Âu rơi vào tình huống phải chấp nhận mua khí đốt với giá đắt để đáp ứng nhu cầu năng lượng. 

Vào tháng 8, Đại sứ Nga tại Washington Anatoly Antonov nói với Tass rằng các quốc gia châu Âu thành "con tin của Mỹ" vì ngày càng phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Washington.

"Châu Âu về cơ bản đã trở thành con tin của Mỹ. Ai là người hưởng lợi từ tình hình hiện tại? Chính là Mỹ. Mỹ hiện cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Mỹ hiện là bên quyết định giá bán", ông Antonov nói, cho rằng châu Âu đang trong khủng hoảng.

Mặt khác, thỏa thuận cho phép khí đốt tự nhiên của Nga chảy vào châu Âu thông qua Ukraine sẽ kết thúc vào năm nay, và có thể gây ra thiệt hại lớn cho Moscow, nước vốn đang mất hàng tỷ USD doanh thu do các lệnh trừng phạt, một chuyên gia năng lượng nói với Newsweek.

Từ trước đó, Ukraine đã tuyên bố sẽ không gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt Nga qua lãnh thổ sang châu Âu.

Năm ngoái, Tập đoàn Gazprom của Nga, bao gồm các doanh nghiệp dầu mỏ và điện, đã công bố khoản lỗ ròng là 7 tỷ USD, lần đầu tiên trong một phần tư thế kỷ.

Theo một ước tính của Bloomberg, lượng khí đốt Nga chuyển qua Ukraine sang châu Âu mang lại cho Moscow 6,5 tỷ USD. Việc Ukraine không gia hạn thỏa thuận sẽ gây khó cho ngành năng lượng Nga trong tương lai gần. Ngoài ra, quyết định này cũng khiến Ukraine mất 800 triệu USD mỗi năm tiền phí trung gian, theo Bloomberg.

Theo Sputnik

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm