Chiến hạm Nga xưng bá thế giới với tên lửa Zircon
Với tốc độ tối đa Mach 6, bán kính chiến đấu khoảng 600km, tên lửa hành trình siêu thanh 3M22 Zircon sẽ khiến chiến hạm Nga thực sự không có đối thủ.
Tên lửa chống hạm số 1
Trò chuyện với hãng thông tấn RIA Novosti, một đại diện cấp cao của tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga cho biết, nhà sản xuất nước này đang thực hiện các cuộc thử nghiệm đầu tiên của tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh 3M22 Zircon, có tốc độ nhanh nhất thế giới.
Vị đại diện này cho biết, những nguyên mẫu tên lửa Zircon đầu tiên đã được chế tạo xong và đang trải qua thử nghiệm trên các bệ phóng trên mặt đất. Đây sẽ là những thử nghiệm cơ sở quan trọng cho quá trình phát triển các biến thể phóng trên hạm và trên máy bay của dòng tên lửa này.
Thông báo trên cho thấy tốc độ phát triển cực nhanh của dòng tên lửa được cho là bước đột phá trong tương lai, được các chuyên gia quân sự thế giới đánh giá là sát thủ số 1 thế giới trong lĩnh vực tên lửa hành trình chống hạm.
Trước đây, trong buổi công bố kế hoạch nâng cấp siêu tuần dương hạng nặng hạt nhân (TARKR) mang tên Đô đốc Nakhimov, thuộc dự án 11.442M, lớp Orlan (NATO định danh lớp Kirov), các quan chức Nga cho biết là tên lửa sẽ thử nghiệm năm 2020, nhưng hiện nay nó đã bắt đầu thử nghiệm.
Cơ sở phụ trách phát triển tổ hợp tên lửa chống hạm siêu thanh Zircon là Tập đoàn tên lửa chiến lược (thuộc NPO Mashinostroenie) - nhà sản xuất tên lửa hàng đầu của Nga và thế giới.
Đến nay người ta chỉ biết rằng, tên lửa 3M22 Zircon sẽ có tốc độ tối đa lên tới Mach 6 (tương đương gần 7500km/h) và có khả năng phá hủy mục tiêu trong bán kính khoảng 400 - 600 km và có thể hơn nữa. Nó sẽ được phóng từ các hệ thống phóng thẳng đứng (VLS).
Ngoài phiên bản phóng từ máy bay chiến đấu dòng Su-30 trở lên và các chiến hạm mặt nước có hệ thống VLS của Nga, tên lửa Zircon có thể được trang bị trên tàu ngầm hạt nhân đa năng thế hệ thứ năm Husky, do Viện thiết kế hàng hải Malachite thiết kế, chế tạo, nguồn tin cho biết.
Có giả thiết cho rằng, Zircon là phiên bản siêu thanh thế hệ mới, được phát triển từ tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos (mà phiên bản BrahMos Block II có thể là phiên bản xuất khẩu). Điều này cũng tương tự như việc Nga và Ấn Độ đã phát triển BrahMos trên cơ sở tên lửa P-800 Onyx.
Điều này hoàn toàn có cơ sở khi vào tháng 2 vừa qua, công ty BrahMos Aerospace đã tiết lộ rằng, phiên bản siêu thanh của BrahMos (BrahMos Block II) với vận tốc có thể lên tới Mach 7 và tầm phóng 300km, vốn được hoàn thành thiết kế từ năm 2012, cũng sẽ được đưa vào thử nghiệm trong năm 2016 và hoàn tất trong vòng 3-4 năm tới.
Tên lửa Brahmos-II được ra mắt tại Triển lãm hàng không quốc tế Ấn Độ ngày 6/2/2013, tại căn cứ không quân Yella Hanka ở Bangalore. Tuy thuộc họ BrahMos nhưng ngoại hình của phiên bản này khác hoàn toàn so với các anh chị em của nó và giống hệt như loại tên lửa siêu thanh X-51A Waverider của Mỹ.
Ngoài ra, việc cha đẻ của Zircon là NPO Mashinostroenie, cũng là nhà đại diện cho Nga trong liên doanh Nga-Ấn mang tên BrahMos Aerospace, thành lập năm 1998 (Ấn Độ là cổ đông lớn hơn với 50,5% cổ phần, còn Nga 49,5%) cũng cho thấy rằng, rất có thể giữa Zircon và BrahMos có mối liên quan với nhau.
Đến khi 3M22 Zircon được đưa vào sử dụng chính thức, nó sẽ trở thành tên lửa hành trình chống hạm số 1 thế giới bởi tốc độ tấn công kinh hoàng và hệ dẫn đường cực kỳ tiên tiến, khiến không hệ thống phòng thủ nào hiện có và tương lai có khả năng đánh chặn được.
Chiến hạm được trang bị
Theo nguồn tin từ giới chức công nghiệp quốc phòng Nga, vụ thử nghiệm đầu tiên sớm nhất sẽ được thực hiện vào tháng 12/2016 với phiên bản phóng từ mặt đất. Sự thành công của phiên bản này sẽ tạo nền tảng cho bước tiếp theo là phóng từ tàu mặt nước, tàu ngầm hay máy bay chiến đấu.
Theo giới truyền thông Nga, các siêu tuần dương hạm hạt nhân thuộc dự án 11.442M lớp Kirov mang tên Pyotr Veliky (hoàn thành 2022) và Đô đốc Nakhimov (hoàn thành cuối 2018) sẽ được trang bị loại tên lửa hành trình chống hạm này, thay thế cho loại tên lửa đã cũ là P-700 Granit.
Hãng tin TASS trích dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga hôm 19/2 cho biết, tuần dương hạm Pyotr Veliky sẽ được trang bị 3M22 Zircon sau khi nó được nâng cấp. Theo kế hoạch, con tàu này sẽ đi vào sửa chữa từ quý 4 năm 2019 và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022.
Hiện phòng thiết kế KBSM - một công ty con của Almaz-Antei đã nhận được hợp đồng trị giá khoảng 37,8 triệu USD để thiết kế hệ thống phóng thẳng đứng (VLS) mới, thay thế 20 bệ phóng cũ của tên lửa chống tàu P-700 Granit, có tầm phóng trên 600km.
Sau đó, Nhà máy đóng tàu Sevmash kết hợp với KBSM sẽ thiết kế lắp đặt 10 cụm, mỗi cụm 8 ống phóng thẳng đứng (VLS) 3S-14/11442M (tuần dương hạm lớp Kirov có 80 ống phóng), có khả năng phóng tất cả các loại tên lửa như P-800 Onyx, Kalibr-NK và 3M22 Zircon.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia quân sự Nga nhận định, các hệ thống phóng 3S-14 VLS có thể sẽ áp dụng cơ chế sử dụng tên lửa kép, tức là sử dụng tên lửa hành trình chống hạm 3M22 Zircon và tên lửa hành trình tấn công mặt đất 3M-14T của hệ thống Kalibr-NK.
Peter Đại đế là tàu tuần dương hạt nhân duy nhất còn hoạt động trong Hải quân Nga, đây cũng là tàu chiến mặt nước lớn nhất thế giới (chỉ xếp sau tàu sân bay). Tuy nhiên, từ tháng 2/2014 Nga đã tiến hành đại tu tuần dương hạm cùng lớp là chiếc Đô đốc Nakhimov, nhằm tiếp tục duy trì hoạt động thêm 30 - 40 năm nữa.
Ở thời điểm hiện tại, các tàu này được trang bị hệ thống tên lửa chống hạm Granit và hệ thống tên lửa phòng không S-300F (Fort - phiên bản trên hạm của hệ thống S-300) và tên lửa P-700 Granit (SS-N-19 Shipwreck). Tuy nhiên, sau nâng cấp các chiến hạm này sẽ mạnh mẽ hơn rất nhiều.
Tổng biên tập tạp chí Quốc phòng, ông Igor Korotchenko cho biết rằng, tên lửa hành trình siêu thanh mới sẽ tạo ra những tính năng chiến đấu vượt trội so với các tàu chiến phương Tây, tăng cường khả năng sống sót và sức mạnh tấn công cho các chiến hạm Nga.
Ngoài ra, cả hai tàu cũng sẽ được trang bị khả năng phòng không nâng cấp với việc bổ sung thêm một biến thể hải quân của hệ thống phòng không mặt đất tầm xa S-400 và tầm trung là Poliment-Redut, hình thành lá chắn phòng không siêu mạnh với 268 quả các loại (96 quả S-400, 128 quả Redut-M và 44 tên lửa tầm ngắn chưa xác định).
Hơn nữa, các chuyên gia Nga còn cho biết, 2 tuần dương hạm này còn có khả năng được tích hợp sẵn nền tảng mở rộng để sau này có thể trang bị cả biến thể hải quân S-500, giống như các siêu khu trục hạm tương lai lớp Leader.
Các hệ thống radar điều khiển hỏa lực và tác chiến điện tử cũng được thay thế bằng những phiên bản hiện đại hơn, mang tính tích hợp để các chi tiết thượng tầng của tàu đỡ rườm rà.
Với phiên bản hành trình chống hạm 3M22 Zircon có tốc độ siêu thanh và tên lửa hành trình tấn công mặt đất 3M-14T có tầm phóng 2500km và phiên bản phòng không hạm S-400 (tầm phóng 400km), Redut (tầm phóng 120km), tuần dương hạm Nga sẽ có uy lực mạnh nhất trên thế giới.
Như vậy, sau khi nâng cấp, từ một tàu thuần túy nhắm vào các nhóm tàu sân bay, các tuần dương hạm lớp Kirov sẽ trở thành một tàu tuần dương đa năng, với khả năng tấn công nhiều loại mục tiêu khác nhau, có sức mạnh tương đương một hạm đội hải quân.
Clip cận cảnh hệ thống vũ khí trên tuần dương hạm Pyotr Veliky:
Theo Đan Nguyên
Đất Việt