1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga không kích cả khi có lệnh ngừng bắn: Cuộc chiến mới

Nga vừa tuyên bố sẽ tiếp tục không kích ở Syria ngay cả khi lệnh ngừng bắn có thể được thiết lập. Tuyên bố này thực chất nói lên điều gì?

Nga tuyên bố không ngừng chiến dịch không kích

Ngày 24-12, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov tuyên bố rằng, "Lệnh ngừng bắn không ngăn được Nga tiếp tục không kích ở Syria", nước này vẫn sẽ tiếp tục chiến dịch không kích nhằm vào các vị trí của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ngay cả khi đạt được lệnh ngừng bắn ở Syria.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Nga Interfax, ông Bogdanov giải thích, lệnh ngừng bắn sẽ áp dụng với những bên tranh chấp trong cuộc nội chiến tại Syria và điều đó không có liên quan gì đến việc Nga đang tiến hành cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo và các nhóm khủng bố khác.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga khẳng định, lệnh ngừng bắn được ký kết (nếu đạt được) chính là cơ hội tốt để nước này tăng cường cuộc chiến chống khủng bố bởi khi đó “bạn-thù” đã được xác định, Nga có điều kiện tập trung binh lực đánh mạnh vào các nhóm được xác định là “khủng bố”.

Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Nga đang giảm tần suất không kích so với giai đoạn trước, từ 80-90 phi vụ/ngày xuống còn khoảng 50 đợt/ngày, nhưng Bộ tổng tham mưu Nga cho biết, nước này sẽ tăng cường độ các cuộc không kích nhằm vào IS ở Syria trong thời gian tới.

Bộ Quốc phòng Nga hôm 23-12 cho biết, máy bay chiến đấu của nhóm không quân thuộc lực lượng hàng không-vũ trụ nước này đã thực hiện 302 lượt xuất kích trong 6 ngày (từ ngày 18-23/12), tấn công hơn 1.000 mục tiêu của IS ở Syria.

Nga không kích cả khi có lệnh ngừng bắn: Cuộc chiến mới - 1

Máy bay Nga sẽ tăng cường không kích trong thời gian tới

Trong các đợt xuất kích, các máy bay chiến đấu của Nga đã phá hủy 2 cơ sở dự trữ dầu mỏ, 1 đoàn xe tải chở dầu của IS và 1 trại huấn luyện các phần tử khủng bố ở Syria. Đây là một phần trong các nỗ lực của Moscow nhằm ngăn chặn các hoạt động bán dầu trái phép của nhóm khủng bố này.

Tuyên bố của ông Bogdanov được đưa ra trong bối cảnh Mỹ, Nga và các quốc gia Trung Đông đang thúc đẩy một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột kéo dài hơn 4 năm ở Syria, đưa chính phủ và lực lượng đối lập ở nước này tới bàn đàm phán.

Ông Bogdanov cũng bác bỏ báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế và các tổ chức phi chính phủ thân phương Tây rằng, các hành động quân sự của Nga ở Syria là "tội ác chiến tranh". Theo ông, bản báo cáo đó chứa các "thông tin sai lệch" và hoàn toàn không có cơ sở.

Việc Nga tuyên bố sẽ tiếp tục không kích vào tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS và các nhóm khủng bố khác, kể cả khi đã đạt được lệnh ngừng bắn ở Syria đã làm dấy lên một vấn đề rất lớn mà đến giờ vẫn chưa có một khái niệm chính xác nào được đưa ra: Thế nào là “phe đối lập ôn hòa”?

Đây là một trong những ngôn từ cực kỳ hoa mỹ do Washington đưa ra, thực chất là sự đánh tráo khái niệm bởi ngay cả những người ngây thơ nhất về mặt chính trị cũng hiểu rằng, không có tổ chức nào được coi là ôn hòa khi được nước khác trang bị đầy đủ vũ khí để lật đổ chính quyền sở tại bằng bạo lực.

Nga không kích cả khi có lệnh ngừng bắn: Cuộc chiến mới - 2

Nga sẽ không kích ngay cả khi thỏa thuận ngừng bắn được ký kết

Có lẽ khái niệm “ôn hòa” sẽ đúng nếu so sánh “phe đối lập ôn hòa” với trường hợp tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo. Nếu IS là tổ chức cực hung cực ác... thì phe “đối lập ôn hòa” của Mỹ giết người ít hơn và giết bằng cách ít tàn ác hơn 1 chút mà thôi.

Thế nhưng, rất có thể là những tổ chức khủng bố ở Syria trong thời gian tới sẽ được khoác cái áo “phe đối lập ôn hòa” để thoát khỏi sự trừng phạt của cộng đồng quốc tế và có thể đường hoàng trở thành những tổ chức chính trị, một ngày kia có thể sẽ lên nắm quyền ở Syria, dưới sự hậu thuẫn của phương Tây.

Cuộc chiến thứ 2 của Nga ở Syria : Chống khủng bố đội lốt “phe đối lập ôn hòa”

Vừa qua, Moscow tuyên bố, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải xác định rõ ràng về khái niệm “đối lập ôn hòa” do Mỹ đưa ra. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố rằng, ngay cả trong liên minh của Mỹ cũng vẫn tồn tại bất đồng về danh sách các phần tử khủng bố và phe đối lập Syria.

Về phần mình, Nga là nước đầu tiên trao cho Liên minh quân sự 64 nước của phương Tây cả danh sách khủng bố lẫn danh sách của phe đối lập. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, không chỉ giữa Moscow và Washington mà ngay cả trong liên minh do Mỹ lãnh đạo cũng vẫn bất đồng về vấn đề này.

Đến nay, cơ bản là Moscow và Washington mới chỉ thống nhất ở điểm, tổ chức Jabhat Al-Nusra (Mặt trận Al-Nusra - một chi nhánh của tổ chức khủng bố al-Qaeda ở Syria) và tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) là chắc chắn sẽ bị coi là khủng bố.

Hai tổ chức này vừa qua đã không được phép tham gia cuộc đàm phán giữa chính quyền Damascus của ông Bashar al-Assad và các nhóm đối lập Syria. Như vậy, chúng sẽ không chịu sự chế ước của thỏa thuận ngừng bắn được ký kết cuối tháng 1-2016 (nếu đạt được đồng thuận).

Tuy nhiên, Nga còn muốn đưa rất nhiều phe nhóm đối lập khác, bao gồm không ít các tổ chức vũ trang đối lập trước đây đã từng tuyên thệ trung thành hay liên kết với IS hoặc al-Qaeda. Đối với Moscow, tất cả những phe phái này đều là khủng bố nhưng Mỹ lại không cho là như vậy.

Chính vì thế, trong thời gian qua, ngoài tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS và al-Qaeda Syria ra, Nga đã không kích tất cả những phe nhóm nào chỉ chăm chăm chống chính quyền Damascus mà không chịu bắt tay chống IS, nên Moscow đã bị Mỹ tố cáo là tấn công các phe nhóm “đối lập ôn hòa” ở Syria.

Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW) của Mỹ hồi tháng 11 đã lập ra một bản đồ chiến sự, trong đó mô tả các khu vực bị Nga không kích, dựa trên các nguồn tin của truyền thông Nhà nước Syria và quốc tế cũng như các tài khoản truyền thông xã hội.

Nga không kích cả khi có lệnh ngừng bắn: Cuộc chiến mới - 3

Bản đồ khu vực IS kiểm soát cho thấy, Nga và Syria không tấn công vùng IS chiếm đóng do chúng nằm quá sâu trong vùng kiểm soát của các nhóm “đối lập ôn hòa”

Bản đồ này cho thấy rằng với ngoại lệ là một khu vực ở tỉnh Idlib do các nhóm nổi dậy khác nhau kiểm soát (trong đó có phiến quân IS), các địa điểm bị máy bay Nga không kích khác nằm cách xa thành lũy chính của nhóm cực đoan Nhà nước Hồi giáo ở Syria.

Những khu vực do IS kiểm soát, ví dụ như thủ phủ không chính thức của chúng ở Raqqa, chỉ bị Nga sử dụng máy bay ném bom tầm xa và tàu ngầm, tàu mặt nước tấn công bằng tên lửa hành trình bởi chúng nằm quá xa vùng kiểm soát của quân chính phủ, nên hiệu quả không thực sự rõ ràng.

Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy là những khu vực này quân đội Syria chưa tiến tới được nên hiệu quả tấn công không cao. Nếu muốn vươn tới thành trì của IS, quân chính phủ buộc phải đi qua lãnh địa của các phe nhóm vũ trang “đối lập ôn hòa” nhưng họ không chịu hợp tác.

Nga cáo buộc, khu vực kiểm soát của các nhóm này nằm ngay cạnh khu vực chiếm đóng của Nhà nước Hồi giáo. Nếu họ hợp tác thì việc vây ép chúng sẽ rất dễ dàng nhưng cứ khi nào quân chính phủ động binh đánh IS thì lập tức bị các nhóm này đánh vào sườn.

Chính vì thế, quân đội Syria chưa bao giờ dám mở các cuộc tấn công thọc sâu vào vùng kiểm soát của IS, khiến tổ chức khủng bố này ngày càng mạnh lên, dưới sự hỗ trợ tác chiến chưa rõ là vô tình hay cố tình của các phe nhóm “đối lập ôn hòa” Syria.

Nga không kích cả khi có lệnh ngừng bắn: Cuộc chiến mới - 4

Thời gian qua, Nga và Syria đã tấn công mạnh vào vùng kiểm soát của các tay súng thuộc nhóm “đối lập ôn hòa” Ahrar al-Sham

Nga buộc Mỹ phải làm rõ khái niệm “Đối lập ôn hòa”

Chính vì thế, Moscow cương quyết buộc Washington phải làm rõ khái niệm “đối lập ôn hòa” nhằm xác định rõ đối tượng tác chiến. Tuy nhiên, Mỹ vẫn buộc tất cả vào 1 bị, gom tất cả các phe phái chống chính phủ Syria vào nhóm này, bất kể chúng có bắt tay với al-Qaeda hay IS hay không.

Hiện nay, có một số nhóm chống chính phủ lớn bị Nga và Syria xác định là khủng bố và phải tiêu diệt nhưng vẫn được Mỹ và phương Tây bảo vệ. Điều này khiến 2 bên vẫn bất đồng quan điểm, làm cho tiến trình đàm phán sắp tới sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, việc Nga đưa ra tuyên bố trên cho thấy, Moscow sẽ không thỏa hiệp với Washington về vấn đề này, kể cả việc Mỹ đưa các nhóm này vào liên minh đối lập ở Syria thì Nga vẫn sẽ đánh. Do đó, nếu Nhà Trắng không chịu nhượng bộ Điện Kremlin thì thỏa thuận ngừng bắn sẽ khó mà đạt được.

Trong kỳ sau chúng ta sẽ tìm hiểu về một số phe nhóm “đối lập ôn hòa” chính ở Syria bị Nga quy là khủng bố và phải tiêu diệt.

Theo Thiên Nam

Đất Việt