1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga khóa đường ống cấp dầu cho Ba Lan

Minh Phương

(Dân trí) - Nga ngừng cấp dầu cho Ba Lan qua đường ống Druzhba trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước leo thang căng thẳng do cuộc xung đột ở Ukraine.

Nga khóa đường ống cấp dầu cho Ba Lan - 1

Một trạm bơm dầu của đường ống Druzhba ở Adamowo, Ba Lan (Ảnh: Reuters).

Theo Reuters, Giám đốc điều hành Tập đoàn dầu khí Ba Lan PKN Orlen, ông Daniel Obajtek, ngày 25/2 cho biết Nga đã tạm dừng cung cấp dầu cho Ba Lan qua đường ống dẫn Druzhba, song Warsaw đã chuẩn bị sẵn cho kịch bản này.

"Nga đã ngừng cung cấp dầu cho Ba Lan, song chúng tôi có chuẩn bị trước cho kịch bản này. Dầu thô từ Nga chỉ chiếm 10% tổng lượng nhập khẩu và chúng tôi đã có nguồn thay thế", thông cáo của ông Obajtek cho hay.

Công ty Orlen khẳng định có thể cung cấp đầy đủ dầu thô cho các nhà máy lọc dầu thông qua nguồn nhập khẩu bằng đường biển, do vậy, việc Nga khóa đường ống sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu xăng dầu của PKN Orlen cho khách hàng.

Orlen đã hết hợp đồng với doanh nghiệp dầu khí Nga Rosneft vào tháng 2, song vẫn còn hợp đồng nhập dầu với công ty Tatneft của Nga. Các doanh nghiệp này hiện chưa đưa ra bình luận.

Druzhba là một trong những đường ống dẫn dầu lớn nhất thế giới, kéo dài khoảng 4.000 km, vận chuyển dầu từ Nga đến Ukraine, Belarus, Ba Lan, Hungary, Slovakia, Cộng hòa Séc, Áo và Đức. Việc vận chuyển dầu qua đường ống Druzhba được miễn trừ khỏi các biện pháp trừng phạt mà Liên minh châu Âu áp đặt với Nga để hỗ trợ các quốc gia có ít lựa chọn trong việc tìm kiếm nguồn cung thay thế.

Quyết định của Nga ngừng cấp dầu cho Ba Lan qua đường ống Druzhba diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước leo thang căng thẳng do chiến sự ở Ukraine. Ba Lan là một trong những quốc gia ủng hộ mạnh mẽ Ukraine nhằm đối phó với chiến dịch quân sự của Nga. Ba Lan được cho là đầu mối vận chuyển vũ khí của phương Tây vào nước láng giềng Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra. Warsaw đã viện trợ cho Kiev nhiều khí tài quân sự, trong đó có các xe tăng do Liên Xô chế tạo. Trong tuần này, Ba Lan cũng chuyển những xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard đầu tiên cho Ukraine.

Theo Reuters