1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga khai hỏa tên lửa "không thể cản phá" nhanh gấp 7 lần tốc độ âm thanh

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nga thông báo đã thử nghiệm thành công tên lửa siêu vượt âm Zircon, với tốc độ bay gấp gần 7 lần tốc độ âm thanh.

Nga khai hỏa tên lửa "không thể cản phá" nhanh gấp 7 lần tốc độ âm thanh

Nga khai hỏa tên lửa không thể cản phá nhanh gấp 7 lần tốc độ âm thanh - 1

Khoảnh khắc tên lửa Zircon phóng đi từ chiến hạm Nga (Ảnh chụp màn hình).

Bộ Quốc phòng Nga ngày 19/7 thông báo đã thực hiện bài thử nghiệm với tên lửa hành trình siêu vượt âm Zircon, vũ khí từng được Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi là "bất khả chiến bại".

Đoạn video do phía Nga đăng tải cho thấy chiến hạm Đô đốc Gorshkov phóng Zircon vào mục tiêu ở bờ biển Barents ở phía bắc Nga.

"Tên lửa Zircon đã thành công khi tấn công trực tiếp vào mục tiêu ở khoảng cách trên 350km. Tốc độ bay của tên lửa gần chạm tới Mach 7 (8.643 km/h - tức là nhanh gấp 7 lần tốc độ âm thanh)", thông báo viết.

Nga trong nhiều năm qua đã tuyên bố rằng họ phát triển hàng loạt vũ khí với công nghệ "đến từ tương lai" trong bối cảnh căng thẳng với phương Tây leo thang dồn dập.

Tháng 2/2019, ông Putin tiết lộ tên lửa Zircon có thể đạt tốc độ khoảng Mach 9, với khả năng đánh trúng các mục tiêu ở khoảng cách hơn 1.000 km.

Nga cho hay, họ dự kiến trang bị Zircon lên cả tàu nổi và tàu ngầm. Trước đó, Nga đã vài lần thử tên lửa này và ông Putin mô tả một trong những vụ thử là "sự kiện trọng đại không chỉ trong các lực lượng vũ trang mà còn là toàn bộ nước Nga".

Trong bài phát biểu năm 2018, ông Putin từng nhắc tới Zircon như một trong những hệ thống chiến lược có thể đánh bại các hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương và đảm bảo khả năng đáp trả của Nga. Với những tính năng vượt trội, Zircon được xem là tên lửa "không thể cản phá" trước các tổ hợp phòng không hiện tại. 

Theo truyền thông Nga, Zircon được thiết kế chống lại các mục tiêu tàu nổi và trên cạn, dự kiến sẽ đi vào sản xuất vào năm 2021 và vào biên chế năm 2022.

Ngoài ra, Moscow cũng từng tuyên bố đang phát triển nhiều vũ khí có khả năng qua mặt các hệ thống phòng thủ hiện tại, bao gồm tên lửa liên lục địa Sarmat và tên lửa hành trình Burevestnik.