Ông Putin nêu điều kiện đàm phán chấm dứt xung đột với Ukraine
(Dân trí) - Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gặp các nhà lãnh đạo châu Phi và trao đổi về việc tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine.
Tổng thống Putin ngày 17/6 đã tiếp đón các nhà lãnh đạo Senegal, Ai Cập, Zambia, Uganda, Cộng hòa Dân chủ Congo, Comoros và Nam Phi tại thành phố St Petersburg. Trong chuyến thăm Nga lần này, các nhà lãnh đạo châu Phi muốn tìm kiếm thỏa thuận về các "biện pháp xây dựng lòng tin", trong bối cảnh Ukraine đang tiến hành chiến dịch phản công đẩy lùi Nga khỏi các vùng lãnh thổ do Moscow kiểm soát ở miền Đông và miền Nam.
Tổng thống Putin nhắc lại quan điểm của Nga rằng, Ukraine và các đồng minh phương Tây đã bắt đầu cuộc xung đột từ lâu trước khi Nga đưa lực lượng vũ trang qua biên giới vào tháng 2 năm ngoái để bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt.
Ông Putin cũng cho rằng chính phương Tây, chứ không phải Nga, phải chịu trách nhiệm về việc giá lương thực toàn cầu tăng mạnh vào đầu năm ngoái, đặc biệt ảnh hưởng nặng nề đến châu Phi.
Theo Tổng thống Nga, việc xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine từ các cảng Biển Đen mà Nga đã cho phép trong năm qua không giúp ích gì cho việc giảm bớt khó khăn của châu Phi với giá lương thực cao vì phần lớn chúng đã được chuyển đến các nước giàu có.
Ông chủ Điện Kremlin khẳng định Nga chưa bao giờ từ chối đàm phán với phía Ukraine, trong khi phía Kiev từ chối đàm phán với Moscow. Tuy nhiên, Nga đã nhiều lần nhấn mạnh rằng bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng phải tính đến tình hình "thực tế mới", bao gồm việc Nga sáp nhập các tỉnh của Ukraine.
Moscow nhiều lần tuyên bố quan điểm, hòa đàm chấm dứt xung đột chỉ diễn ra khi Ukraine chấp nhận "thực tế lãnh thổ mới", nghĩa là công nhận các vùng đã sáp nhập vào Nga và phương Tây phải ngừng cấp vũ khí cho Kiev. Năm ngoái, Nga đã sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine gồm Kherson, Zaporizhia, Donetsk và Lugansk sau những cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi.
Ông Putin tuyên bố Moscow "sẵn sàng đối thoại mang tính xây dựng với bất kỳ ai muốn thiết lập hòa bình trên nguyên tắc công bằng và thừa nhận lợi ích hợp pháp của các bên".
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phát biểu trên truyền hình rằng, Moscow quan tâm đến "các cách tiếp cận chính" trong kế hoạch hòa bình châu Phi, trong khi người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng kế hoạch này "khó thực hiện".
Ông Peskov cho biết Tổng thống Putin đã bày tỏ sự quan tâm đến kế hoạch mà Tổng thống Nam Phi đã nêu ra trong bài phát biểu của mình và Nga sẽ tiếp tục đối thoại với các nước châu Phi. Tuy nhiên, ông Lavrov nói rằng, các nhà lãnh đạo châu Phi không mang đến cho nhà lãnh đạo Nga bất kỳ thông điệp nào từ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Hôm 16/6, tổng cộng 6 lãnh đạo châu Phi (Nam Phi, Senegal, Ai Cập, Zambia, Cộng hòa Congo, Uganda) đã đến Kiev để bắt đầu sứ mệnh hòa bình, nỗ lực hòa giải nhằm chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine kéo dài hơn một năm qua.
Tại cuộc họp báo sau hội đàm với phái đoàn các lãnh đạo châu Phi, Tổng thống Zelensky tuyên bố hòa đàm với Nga chỉ diễn ra "khi Moscow chấm dứt cuộc chiến này, chấm dứt những đau khổ mà họ gây ra".
"Chúng tôi cần một nền hòa bình thực sự, do vậy, người Nga phải rút quân hoàn toàn khỏi lãnh thổ của chúng tôi", ông Zelensky nói.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết mục tiêu phi quân sự hóa Ukraine hầu như đã đạt được vì Kiev đang sử dụng ngày càng ít vũ khí.
"Ukraine đã được quân sự hóa mạnh mẽ vào thời điểm (chiến dịch quân sự đặc biệt) bắt đầu. Như Tổng thống Putin đã nói, một trong những mục tiêu (của Nga) là phi quân sự hóa Ukraine. Thực tế, mục tiêu này phần lớn đã đạt được. Ukraine đang sử dụng ngày càng ít vũ khí của họ và sử dụng ngày càng nhiều vũ khí do các nước phương Tây cung cấp", ông Peskov nói.