Nga hối thúc Ukraine đàm phán sau đề xuất hòa bình của Tổng thống Putin
(Dân trí) - Người phát ngôn Điện Kremlin cho rằng Tổng thống Ukraine nên suy nghĩ về đề xuất hòa bình của nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin vì tình hình trên chiến trường đang xấu đi.
Trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Nga Pavel Zarubin hôm 16/6, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo "những diễn biến hiện tại của tình hình tiền tuyến chứng tỏ rằng tình hình sẽ tiếp tục trở nên tồi tệ hơn đối với Ukraine".
Ông Peskov nhắc lại rằng, ông Volodymyr Zelensky lên làm tổng thống Ukraine vào năm 2019 phần lớn nhờ vào những cam kết mang lại hòa bình cho Ukraine. Ngoài ra, ông Zelensky cũng luôn nói rằng ông sẽ làm bất cứ điều gì cho đất nước của ông.
"Có lẽ, một chính trị gia đặt lợi ích của tổ quốc lên trên lợi ích của mình sẽ nghĩ đến một đề xuất như vậy. Hãy xem điều gì sẽ xảy ra", ông Peskov nói, đề cập tới đề xuất của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc giải quyết xung đột Ukraine.
Trước đó, tại cuộc họp Bộ Ngoại giao Nga hôm 14/6, ông Putin để ngỏ khả năng ngừng bắn và bắt đầu đàm phán nếu Ukraine đáp ứng một số điều kiện: nhượng lại toàn bộ 5 khu vực của Ukraine đã bỏ phiếu trưng cầu dân ý để sát nhập vào Nga, bao gồm bán đảo Crimea; loại bỏ quân đội hiện có của Ukraine ở các khu vực này; từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO; cam kết không tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân, cũng như "phi quân sự hóa", "phi quốc tế hóa" và tôn trọng quyền của người dân nói tiếng Nga.
Tổng thống Putin cho biết, để đạt được một nền hòa bình lâu dài, tất cả những điểm này cần được công nhận ở cấp độ quốc tế và sau đó là việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.
Lời đề nghị của ông Putin ngay lập tức bị tổng thống Ukraine từ chối, gọi đây là "tối hậu thư". Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết mục đích của đề xuất do ông Putin đưa ra về việc bắt đầu "đàm phán hòa bình" là nhằm phá hoại hội nghị thượng đỉnh hòa bình toàn cầu về Ukraine ở Thụy Sĩ vào cuối tuần này.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết các điều kiện do Tổng thống Putin đưa ra là một kế hoạch nhằm đánh lạc hướng công chúng khỏi các cuộc đàm phán với Thụy Sĩ, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố ông Putin không có quyền áp đặt các điều khoản của một thỏa thuận hòa bình.
Người phát ngôn Điện Kremlin nhấn mạnh đề xuất của Tổng thống Putin không nên được hiểu là "tối hậu thư" mà là "sáng kiến hòa bình được đưa ra có tính đến tình hình thực địa".
Khi được hỏi liệu Moscow có coi Tổng thống Zelensky là đối tác đàm phán khả thi hay không, vì nhiệm kỳ tổng thống của ông đã kết thúc vào tháng trước, ông Peskov thừa nhận không thể ký kết thỏa thuận với ông Zelensky "vì về mặt pháp lý, điều này sẽ không hợp pháp".
Tuy nhiên, theo người phát ngôn Điện Kremlin, ông Putin không loại trừ bất kỳ lựa chọn đàm phán nào vì Kiev có các cơ quan hợp pháp có thể chỉ định bất kỳ ai tham gia đàm phán.
Ông Peskov lưu ý rằng các cuộc đàm phán với Ukraine vẫn có thể thực hiện, nhưng kết quả của các cuộc đàm phán phải được chính quyền hợp pháp của Ukraine chấp thuận.
"Ông Putin không bác bỏ bất cứ điều gì. Ông không bác bỏ khả năng đàm phán... Các cuộc đàm phán thường được tiến hành bởi các chuyên gia và được ký kết bởi các cơ quan có thẩm quyền", ông Peskov nói thêm.