Nga điều thêm siêu tuần dương hạm Varyag đến bờ biển Syria
Trong một động thái mới nhất, Nga sẽ điều tuần dương hạm Varyag đến Syria, hợp thành bộ đôi chiến hạm phòng không siêu mạnh cùng với tuần dương hạm Moskva.
Nga điều tuần dương hạm Varyag đến Syria
Ngày 9-12, Hãng thông tấn TASS viện dẫn một nguồn tin trong phái đoàn hải quân Nga đang tham dự cuộc tập trận hải quân Indra cùng với Ấn Độ cho biết, tuần dương hạm tên lửa Varyag của Nga hiện đang có mặt tại Ấn Độ Dương sẽ được cử đến Syria.
Như tin trước đó Bộ Quốc phòng Nga đã đưa, cuộc tập trận hải quân Nga-Ấn Độ lần thứ 8 Indra Navy-2015 diễn ra trên vịnh Bengal, gần bờ biển phía đông Ấn Độ. Biên đội tàu Nga còn có thêm khu trục hạm “Bystryi”, tàu chở dầu "Boris Bytom” và tàu kéo "Alatau".
Chuyến thăm Ấn Độ của biên đội tàu Nga kéo dài 7 ngày, từ ngày 6 đến 12-12. Trong thời gian này, đội tàu hải quân Nga tham gia tập trận Indra Navy-15 sẽ diễn ra cả trên bờ cũng như dưới biển, với mục đích cơ bản là hoạch định và hoàn thiện khâu tổ chức và hoạt động chung trên biển.
Giai đoạn tích cực của cuộc tập trận diễn ra từ ngày 10 đến ngày 12 tháng 12 trong vùng biển của vịnh Bengal”. Sau đó, tuần dương hạm Varyag sẽ từ đây chạy thẳng đến vùng Sừng châu Phi, qua vịnh Aden và eo biển Bab-el-Mandeb để tiến vào Biển Đỏ, qua kênh đào Suez, rồi vào Địa Trung Hải.
"Tuần dương hạm tên lửa Varyag sẽ từ Ấn Độ đến Syria để thay thế cho tàu tuần dương tên lửa đề án 1164 Moskva của Hạm đội Biển Đen, đã chỉ huy nhóm tàu của Hạm đội này ở Địa Trung Hải từ hồi đầu tháng 9" - nguồn tin cho biết.
Tuần dương hạm tên lửa Varyag của Nga cùng lớp với tuần dương hạm Slava
Hiện nay, tuần dương hạm Moskva đang đảm nhận nhiệm vụ hỗ trợ lực lượng quân sự của Pháp trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS ở Syria. Nó thường xuyên giữ liên lạc với tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp đang hiện diện ở Địa Trung Hải.
Theo lời nguồn tin cho biết, tuần dương hạm Varyag (số hiệu 011) sẽ lưu lại Địa Trung Hải cho tới tháng 9-2016. Tuy nhiên, nguồn tin không cho biết là kỳ hạm của Hạm đội Thái Bình Dương sẽ đến Syria một mình hay cả nhóm tàu Nga đang tham dự tập trận sẽ cùng đi.
Được biết, cũng như tuần dương hạm Moskva (số hiệu 121) - kỳ hạm của Hạm đội Biển Đen, tuần dương hạm Varyag thuộc lớp Atlat (NATO gọi là Slava). Đây là lớp tàu có khả năng công thủ toàn diện với khả năng chống hạm, chống ngầm và phòng không khu vực rất mạnh.
Theo một số chuyên gia, rất có thể Nga sẽ không điều tuần dương hạm Moskva về hạm đội Biển Đen mà cả bộ đôi tuần dương hạm này sẽ cùng bảo vệ lực lượng Nga ở ven bờ biển Latakia của Syria, và khu vực giữa Địa Trung Hải - nơi các tàu ngầm Nga hiện diện.
Tuần dương hạm lớp Slava có tính năng siêu mạnh
Các tuần dương hạm lớp này thuộc lớp Atlat (Атлант), tên mã NATO là Slava, thuộc đề án 1164. Chúng có lượng giãn nước tiêu chuẩn 9.800 tấn, đầy tải 11.490 tấn; chiều dài 186,4m, rộng 20,8m, cao 8,4m; biên chế 485 người, trong đó có 38 sĩ quan.
Moskva sử dụng 4 động cơ turbin khí, 2 trục đẩy, công suất 130.000Hp (95.600 KWT), đảm bảo cho tàu đạt vận tốc tối đa 32 hải lý/h, phạm vi hành trình 7.500 hải lý (tương đương 13.200km), với tốc độ 18 hải lý/h. Tàu có khả năng mang theo 1 trực thăng săn ngầm Ka-25/27/28.
Về vũ khí, Moskva được trang bị 16 quả tên lửa chống hạm siêu âm tầm xa P-500 Bazalt (NATO gọi là SS-N-12 “Sandbox”). P-500 có vận tốc 1,7Mach, tầm bắn 550km, chiều dài 9m, đường kính 0,9m, có thể lắp đặt đầu đạn hạt nhân lượng nổ 350 kiloton, hoặc đầu đạn thường nặng 1000kg.
Cận cảnh hệ thống tên lửa hạm đối không tầm xa S-300F (SA-N-6 Grumble)
Trong suốt quá trình bay đến mục tiêu, tên lửa P-500 được dẫn đường kết hợp quán tính và radar chủ động; các tham số về mục tiêu được hiệu chỉnh tự động thông qua hệ thống điều khiển được liên kết dữ liệu với máy bay Tu-95D hoặc trực thăng Ka-27B.
Về vũ khí phòng không, tàu được trang bị chủ yếu là 64 quả tên lửa hạm đối không tầm xa S-300F (SA-N-6 Grumble), là phiên bản trên hạm của tên lửa phòng không mặt đất S-300PMU.
Loại tên lửa này có tầm bắn 150km với máy bay và 30km với tên lửa đạn đạo, độ cao tác chiến 27km, bộ chiến đấu nặng 90kg, được phóng bằng hệ thống phóng thẳng đứng, 8 ống phóng được bố trí ở phía sau tàu, trái, phải mỗi bên 4 ống.
Ngoài ra, Moskva còn được trang bị 2 cụm 2 ống loại tên lửa phòng không tầm gần 9K33M “Osa-M” (NATO gọi là SA-N-4 “Gecko”) với cơ số 40 quả tên lửa. Loại tên lửa này có chiều dài 3,2m, đường kính 0,21m, tầm bắn 15km, độ cao tác chiến 12km, vận tốc phóng lên tới 2,5Mach.
Được biết, sự tăng cường thêm tuần dương hạm Varyag đến khu vực này là rất cần thiết, để tăng cường khả năng phòng không trên biển cho lực lượng hải quân Nga, trong bối cảnh số lượng tàu của Hạm đội Biển Đen đang hiện diện ở đây rất đông, bao gồm cả tàu nổi và tàu ngầm.
Theo Nhật Nam
Đất Việt