1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga diễn tập đánh chìm tàu sân bay ở Thái Bình Dương

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nga tiết lộ về cuộc tập trận "khủng" nước này thực hiện ở Thái Bình Dương, gồm hạng mục diễn tập đánh chìm tàu sân bay đối phương, động thái có thể khiến Mỹ lo ngại.

Nga diễn tập đánh chìm tàu sân bay ở Thái Bình Dương

Nga diễn tập đánh chìm tàu sân bay ở Thái Bình Dương - 1

Tàu tuần dương lớp Slava Varyag (Ảnh: Quân đội Nga).

Bộ Quốc phòng Nga ngày 21/6 phát đi thông báo cho biết, hải quân nước này đã điều động đội khí tài hùng hậu diễn tập trên không và trên biển ở Thái Bình Dương. Trong các hạng mục mà Moscow liệt kê, Nga tiết lộ nước này đã diễn tập tấn công giả lập và phá hủy một nhóm tàu sân bay đối thủ mô phỏng. Thời điểm chính xác diễn ra cuộc tập trận chưa được tiết lộ.

Các chiến hạm "khủng" của Hạm đội Thái Bình Dương, gồm tàu tuần dương lớp Slava Varyag, cũng như tàu khu trục lớp Udaloy Marshal Shaposhnikov và tàu hộ tống lớp Steregushchiy Aldar Tsydenzhapov, Gromky và Sovershenniy đã thực hiện một cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình mô phỏng vào mục tiêu.

Hai nhóm tàu đã được Nga bố trí cách nhau 482 km để thực hiện cuộc diễn tập, trong đó một nhóm nhận nhiệm vụ là hạm đội đối thủ. Ngoài các tàu nổi, Nga cũng điều động thêm một tàu ngầm giấu tên và một cặp máy bay chống ngầm tầm xa Tu-142MZ, cùng máy bay đánh chặn MiG-31BM Foxhound.

Theo phía Nga, các khí tài đã "thực hiện nhiệm vụ phát hiện, chống lại và tấn công tên lửa vào nhóm tác chiến tàu sân bay giả lập của đối thủ". Ngoài các cuộc tấn công giả định vào tàu nổi, Nga nhân cơ hội này còn đánh giá khả năng sẵn sàng tác chiến đối với các nhiệm vụ phòng không và chống ngầm.

Phía Nga cũng đã đăng tải một đoạn video ghi lại cuộc tập trận ở Thái Bình Dương, bao gồm màn diễn tập chống tàu sân bay.

Nga diễn tập đánh chìm tàu sân bay ở Thái Bình Dương - 2

Máy bay Tu-142MZ  (Ảnh: Wikimedia).

Theo đó, Nga tiết lộ cuộc tấn công bằng tên lửa đã được thực hiện từ cả tàu bề mặt và từ trên không, nhưng chưa rõ máy bay nào tham gia chiến đấu trực tiếp vì ngoài Tu-142MZ và MiG-31BM, Moscow cũng điều động cả máy bay chống ngầm Il-38 May và trực thăng chiến đấu Ka-27. Đáng chú ý hơn cả, máy bay MiG-31BM có khả năng mang tên lửa siêu vượt âm "dao găm" Kinzhal, vũ khí được mệnh danh là "sát thủ tàu sân bay". Tổng cộng, Nga điều 20 tàu nổi, tàu ngầm, tàu hỗ trợ và số máy bay quân sự tương đương tập trận ở Thái Bình Dương từ tuần trước.

Trước đó, truyền thông Mỹ đưa tin, Washington đã triển khai 3 máy bay F-22 từ Hawaii, được cho nhằm phản ứng với các máy bay Nga đang tập trận ở Thái Bình Dương.

Sau đó, Mỹ công bố thông tin, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson đã di chuyển tới hoạt động ở gần Hawaii, động thái được xem là nhằm "nắn gân" Nga sau cuộc diễn tập rầm rộ ở khu vực.

Theo các chuyên gia, quân đội Mỹ dường như đang theo dõi rất sát hướng di chuyển của hải quân Nga thời gian qua ở Thái Bình Dương trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin vừa gặp thượng đỉnh tuần trước ở Thụy Sĩ. Dù các bên mô tả bầu không khí giữa 2 lãnh đạo là tích cực, nhưng giới quan sát nhận định các bên vẫn còn nhiều bất đồng quan điểm.