1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga đáp trả đanh thép đề xuất nhượng lãnh thổ đổi tài sản bị đóng băng

Thành Đạt

(Dân trí) - Nga tuyên bố không bao giờ nhượng lại bất kỳ vùng lãnh thổ nào để đổi lấy các tài sản bị đóng băng.

Nga đáp trả đanh thép đề xuất nhượng lãnh thổ đổi tài sản bị đóng băng - 1

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova (Ảnh: Sputnik).

"Tôi không biết ai đã nói gì, nhưng tài sản không thể được trao đổi để lấy lãnh thổ. Đất đai quê hương của chúng tôi không phải để buôn bán", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố hôm 28/4.

Bà Zakharova cũng nhấn mạnh rằng mọi tài sản của Nga phải được "bảo toàn nguyên vẹn", đồng thời cảnh báo "bất kỳ hành vi đánh cắp nào của phương Tây sẽ bị đáp trả quyết liệt".

"Nhiều người ở phương Tây đã hiểu điều này. Nhưng thật đáng tiếc là không phải ai cũng hiểu", bà Zakharova cho biết thêm.

Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga được đưa ra sau khi một bài báo của Wall Street Journal cho biết Đức đang xem xét khả năng sử dụng tài sản của Nga để thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine.

Berlin đã phản đối nỗ lực của Mỹ nhằm tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga và sử dụng chúng để hỗ trợ cho các nhu cầu kinh tế và quân sự của Ukraine, theo Wall Street Journal. Một trong những lập luận được các quan chức Đức đưa ra là sử dụng số tài sản này của Nga làm "đòn bẩy trong bất kỳ cuộc đàm phán nào để chấm dứt chiến tranh".

Wall Street Journal cho biết chiến lược này được cho là sẽ buộc Moscow phải "nhượng lại" một số vùng lãnh thổ mà Kiev tuyên bố chủ quyền.

Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia G7 khác đã phong tỏa khoảng 300 tỷ USD dự trữ của ngân hàng trung ương Nga kể từ khi bắt đầu xung đột Ukraine vào năm 2022.

Đầu tháng 4, Mỹ đã thông qua dự luật cho phép Washington tịch thu tài sản bị phong tỏa của Nga và chuyển số tiền thu được cho Ukraine. Tuy nhiên, Mỹ chỉ nắm giữ khoảng 6 tỷ USD trong tổng số tiền.

Theo Wall Street Journal, Washington từ lâu đã thúc đẩy các đồng minh tịch thu tài sản của Nga, nhưng động thái này đã vấp phải sự phản kháng từ một số đồng minh, đặc biệt là Đức.

Tuy nhiên, Wall Street Journal cho rằng, đề xuất sử dụng tài sản của Nga như một quân bài mặc cả trong các cuộc đàm phán trong tương lai chỉ là một trong những lý do của Đức. Đức chủ yếu lo ngại động thái này có thể tạo ra tiền lệ, dẫn đến các yêu cầu bồi thường lịch sử liên quan tới Đức Quốc xã trước đây.

Berlin đang phải đối mặt với những yêu cầu như vậy từ Ba Lan, quốc gia đang yêu cầu bồi thường 1,3 nghìn tỷ USD kể từ năm 2022. Hy Lạp đã yêu cầu hơn 300 tỷ USD vào năm 2019, trong khi ở Italy, các tòa án thậm chí còn được cho là đã cố gắng tịch thu tài sản nhà nước của Đức để tài trợ cho việc bồi thường cho con cháu các nạn nhân của Đức Quốc xã.

Theo Wall Street Journal, chính phủ Đức cho đến nay đã bác bỏ những yêu cầu đó, cho rằng "luật pháp quốc tế cấm các cá nhân đưa ra yêu sách chống lại các quốc gia tại tòa án nước ngoài và tài sản của nhà nước không bị tịch thu". Việc tịch thu tài sản của Nga sẽ vi phạm nguyên tắc này và làm suy yếu đáng kể vị thế pháp lý của Berlin.

Theo RT