1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga chạy đua thay thế công nghệ phương Tây, thúc đẩy xuất khẩu khí đốt

Nguyên Long

(Dân trí) - Nga đang phát triển công nghệ khí hóa lỏng nội địa nhằm mở rộng xuất khẩu sang các thị trường mới trong bối cảnh Moscow không thể tiếp cận công nghệ hiện đại của phương Tây

Nga chạy đua thay thế công nghệ phương Tây, thúc đẩy xuất khẩu khí đốt - 1

Một nhà máy khí tự nhiên hóa lỏng trên đảo Sakhalin, Nga (Ảnh: Reuters).

Các chuyên gia trong ngành đánh giá, vai trò của Nga trên thị trường khí hóa lỏng (LNG) đã sụt giảm trong thời gian qua, thậm chí còn diễn ra trước khi cuộc chiến với Ukraine nổ ra hồi tháng 2 năm ngoái. Hơn nữa, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga trong thời gian qua đã khiến đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực LNG của Nga lao dốc; đồng thời khiến nước này không thể mua các mô-đun hóa lỏng cho phép chuyển đổi khí đốt tự nhiên thành LNG. Việc tăng công suất LNG của Nga trong thập niên tới sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn.

Chính vì vậy, Nga đang tham vọng tìm kiếm thị trường mới cho lượng khí đốt tự nhiên khổng lồ từng được vận chuyển sang châu Âu, đặc biệt là chuyển đổi khí đốt tự nhiên thành LNG để vận chuyển đến các thị trường mới qua đường biển. Vấn đề đặt ra hiện nay là Moscow phải làm thế nào để có thể nhanh chóng phát triển công nghệ hóa lỏng nội địa nhằm đẩy nhanh quá trình này vì không thể sử dụng công nghệ hóa lỏng của phương Tây do vướng các lệnh trừng phạt.

Mục tiêu xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Nga

Trước khi xung đột với Ukraine xảy ra, Nga hầu như chỉ tập trung phát triển mạng lưới đường ống khí tự nhiên trải dài từ Đức đến Thổ Nhĩ Kỳ và tụt hậu rất xa so với thế giới về công nghệ LNG. Dự án Sakhalin-2 do các công ty nước ngoài hợp tác phát triển bắt đầu hoạt động từ năm 2009, trong khi nhà máy Yamal sản xuất LNG của Nga mới chỉ bắt đầu sản xuất từ năm 2017. Đến năm 2021, LNG chỉ chiếm khoảng 15% tổng lượng khí đốt xuất khẩu của Moscow.

Mục tiêu đầy tham vọng của Nga hiện nay là tăng gấp ba lần xuất khẩu LNG vào cuối thập niên này nhằm trở thành nhà cung cấp chính trên thị trường, đồng thời cho phép nước này có thể mở rộng sang các thị trường mới nổi quan trọng khác ở châu Á và châu Phi. Hiện nay, Nga tăng tốc phát triển các công nghệ hóa lỏng nội địa nhằm cạnh tranh trực tiếp với các nhà sản xuất thiết bị LNG mạnh nhất như Pháp, Mỹ, vốn đã rời bỏ thị trường Nga sau khi nước này phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Các chuyên gia trong ngành đánh giá, khí đốt không mang lại nguồn doanh thu nhiều tương đương với dầu mỏ xuất khẩu của Nga. Tuy nhiên, hiện nay Moscow có rất ít giải pháp để tăng cường xuất khẩu lượng khí đốt này, nhất là khi không còn khả năng phụ thuộc vào châu Âu và những nỗ lực vận chuyển nhiều lượng khí đốt hơn nữa sang Trung Quốc thông qua hệ thống đường ống Dòng chảy phương Bắc sẽ mất nhiều năm mới thành hiện thực.

Các động thái thúc đẩy xuất khẩu LNG

Hồi tháng 4, Novatek PJSC, nhà xuất khẩu LNG tư nhân của Nga đã nhận được bằng sáng chế cho quy trình Arctic Cascade Modified (ACM). Đây là công nghệ hóa lỏng khí được phát triển trên quy trình khí hóa lỏng độc quyền Nguồn Bắc Cực (Arctic Cascade) của công ty, trong đó cho phép sản xuất LNG với các thiết bị gọn nhẹ hơn và hiệu quả hơn. Hơn nữa, thiết kế của quy trình này tương thích với các thiết bị nội địa của Nga - một điều rất quan trọng trong bối cảnh Nga bị phương Tây cấm vận về công nghệ.

Dự án mới của Novatek, được gọi là Arctic LNG 2, dự kiến sẽ xây dựng Trung tâm LNG mới ở Belokamenka, gần cảng Murmansk ở Bắc Cực. Dự án này được triển khai sau khi các nhà thầu nước ngoài gồm Technip Energies NV của Pháp, Linde của Đức và Baker Hughes Co. của Mỹ rời đi vào năm 2022 sau xung đột ở Ukraine. Dự kiến chuyến tàu xuất khẩu LNG đầu tiên sẽ bắt đầu vào cuối năm 2023, sau đó là chuyến tàu thứ 2 và thứ 3 lần lượt vào năm 2024 và 2026.

Ông Claudio Steuer, Giám đốc Công ty Tư vấn năng lượng SyEnergy có trụ sở tại Anh, nói rằng: "Chúng ta sẽ chỉ biết tiềm năng thực sự của công nghệ ACM của Novatek sau khi các đoàn tàu đi vào hoạt động một thời gian".

Sắp tới, Nga cũng tiến hành một thử nghiệm khác là Dự án Sakhalin-2 LNG ở vùng Viễn Đông của Nga. Dự án này sẽ đánh dấu lần đầu tiên Nga tiến hành bảo dưỡng tua-bin định kỳ hàng năm mà không có bất kỳ nhà thầu nước ngoài nào. Dự kiến công việc sẽ bắt đầu từ tháng 7, kéo dài khoảng 40 ngày. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại, việc này có thể dẫn đến nguy cơ thắt chặt nguồn cung LNG toàn cầu và dẫn đến giá cả leo thang.

Giảng viên Morena Skalamera, chuyên nghiên cứu về Nga và các vấn đề quốc tế tại Đại học Leiden, Hà Lan đánh giá, công nghệ LNG nội địa của Nga đã trở thành một ưu tiên tuyệt đối của chính quyền Tổng thống Vladimir Putin. Mặc dù hiện tại, nó chưa thể thay thế công nghệ phương Tây nhưng Nga có động lực để tiếp tục cải thiện nhằm đáp ứng nhu cầu trong nền kinh tế thời chiến.

Công nghệ LNG được xem là biểu tượng của việc đầu tư nghiên cứu và phát triển đi cùng với mục tiêu tiến tới độc lập với công nghệ nước ngoài của Nga. Tuy nhiên, công nghệ khí hóa lỏng rất phức tạp, cần mất nhiều thời gian để xây dựng được cơ sở hạ tầng sản xuất cũng như hệ thống đường ống vận chuyển, xử lý, làm mát đủ tiêu chuẩn trước khi được đưa lên các tàu được thiết kế đặc biệt để có thể xuất khẩu ra nước ngoài.

Theo Bloomberg