1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga cáo buộc Ukraine tấn công cầu Crimea bằng tên lửa S-200

Nguyễn Bình

(Dân trí) - Bộ Quốc phòng Nga ngày 9/7 cáo buộc, Ukraine đã thất bại trong nỗ lực tấn công các mục tiêu ở khu vực Crimea, Rostov và Kaluga bằng tên lửa S-200, trong đó có cây cầu chiến lược qua eo biển Kerch.

Nga cáo buộc Ukraine tấn công cầu Crimea bằng tên lửa S-200 - 1

Cầu Crimea (Ảnh: TASS.).

Sputnik dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Nga cho biết: "Vào ngày 9/7, chính quyền Kiev đã thực hiện một nỗ lực không thành công trong việc tấn công các mục tiêu ở khu vực Crimea, Rostov và Kaluga bằng tên lửa phòng không S-200, vốn được chuyển đổi thành phiên bản tấn công để phá hủy các mục tiêu mặt đất".

Bộ Quốc phòng Nga cho hay, một trong những tên lửa S-200 được Ukraine phóng đi nhằm vào cây cầu Crimea, trong khi quả còn lại hướng tới một sân bay quân sự ở khu vực Rostov.

Theo báo cáo của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga gửi Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Nga Valery Gerasimov, 4 mục tiêu đạn đạo của Ukraine đã bị đánh chặn vào ngày 9/7, đồng thời cho biết thêm rằng, 2 tên lửa S-200 cũng đã bị phòng không phá hủy, hai tên lửa tương tự khác đã bị vô hiệu hóa bằng phương tiện tác chiến điện tử.

"Không có thương vong và thiệt hại", Bộ Quốc phòng Nga thông tin.

Ngoài ra, tướng Gerasimov đã chỉ thị cho các đơn vị Nga xác định các địa điểm cất giữ và huấn luyện, cũng như các vị trí trận địa phóng tên lửa S-200 của Ukraine và vũ khí tấn công tương tự, để lập kế hoạch tập kích vô hiệu hóa.

Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Nga cũng ra lệnh thực hiện các biện pháp bổ sung để tăng cường khả năng bảo vệ các cơ sở khỏi các cuộc không kích trong thời gian ngắn nhất có thể.

Như vậy là Ukraine một lần nữa có ý định tấn công cầu Crimea chiến lược để phá vỡ tuyến hậu cần đặc biệt quan trọng của Nga.

Theo Business Insider, mới đây, Ukraine đánh dấu 500 ngày nổ ra xung đột bằng việc chính thức thừa nhận trách nhiệm trong việc cho nổ cầu Crimea qua eo biển Kerch vào tháng 10/2022.

Ban đầu Kiev từ chối nhận trách nhiệm về vụ tấn công này. Tuy nhiên, hôm 9/7, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar viết trên kênh Telegram thừa nhận rằng chính quyền Ukraine đã thực hiện cuộc tấn công cây cầu huyết mạch này vào mùa thu năm 2022.

"Đã 273 ngày trôi qua, kể từ khi chúng tôi giáng đòn tấn công đầu tiên vào cầu Crimea để làm gián đoạn hoạt động hậu cần của người Nga", bà viết trên Telegram.

Trước thời điểm này, chính quyền Ukraine vẫn luôn phủ nhận trách nhiệm về vụ tấn công cây cầu dài 19km - dài nhất châu Âu, nối bán đảo Crimea và vùng Krasnodar của Nga.

Bán đảo Crimea đã sáp nhập vào Nga vào tháng 3/2014 sau một cuộc trưng cầu dân ý, trong đó hơn 96% cử tri trên bán đảo nói "có".

Mỹ và EU không chấp nhận thực tế này và tuyên bố áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các cá nhân và tổ chức của Nga. Còn các nhà lãnh đạo Ukraine nói rằng, họ quyết tâm giành lại tất cả các vùng lãnh thổ đã mất từ tay Nga, bao gồm cả Crimea.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tham dự lễ khánh thành cây cầu vào tháng 5/2018.

Vào ngày 8/10 năm ngoái, một chiếc xe tải đã bị nổ tung trên cầu Crimea, khiến hai nhịp cầu đường bộ bị sập một phần xuống biển, đồng thời 7 toa nhiên liệu của một đoàn tàu chở hàng đang đi trên đoạn đường ray liền kề bốc cháy. Ba người đã thiệt mạng.

Tổng thống Vladimir Putin gọi vụ nổ cầu Crimea là một vụ tấn công khủng bố nhằm phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự của Nga.

Theo Sputnik