Moscow: Thủ đô các nước châu Âu có thể trở thành mục tiêu của tên lửa Nga
(Dân trí) - Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo thủ đô của các nước châu Âu sẽ trở thành "nạn nhân" của các cuộc tấn công nếu họ tiếp nhận tên lửa tầm xa của Mỹ.
Trong cuộc phỏng vấn hôm 13/7, khi được hỏi liệu Nga có đáp trả nếu Mỹ triển khai tên lửa tầm xa ở châu Âu hay không, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố: "Đương nhiên là có".
"Luôn luôn xảy ra một tình huống nghịch lý: Mỹ đã triển khai nhiều loại tên lửa có tầm bắn khác nhau ở châu Âu và chúng thường nhắm vào đất nước chúng tôi. Theo đó, chúng tôi đã xác định các địa điểm ở châu Âu làm mục tiêu cho tên lửa của chúng tôi", ông Peskov cảnh báo.
Ông Peskov đề cập đến thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi tên lửa của Mỹ ở châu Âu nhắm mục tiêu vào Liên Xô.
"Đất nước của chúng tôi đang nằm trong tầm ngắm của tên lửa Mỹ đặt tại châu Âu. Chúng tôi từng trải qua điều này trước đây. Chuyện này từng xảy ra trước đây. Chúng tôi có đủ năng lực để chặn những tên lửa đó. Tuy nhiên, bên có thể trở thành nạn nhân là thủ đô của những nước này", người phát ngôn Điện Kremlin nói thêm.
Trước đó, trong tuyên bố chung ngày 10/7, chính phủ Mỹ và Đức tuyên bố Mỹ sẽ bố trí tên lửa tầm xa ở Đức từ năm 2026.
Những loại vũ khí này, bao gồm hệ thống SM-6 và Tomahawk, đã bị cấm ở châu Âu cho đến khi Washington rút khỏi một hiệp ước mang tính bước ngoặt từ thời Chiến tranh Lạnh vào năm 2019.
Theo tuyên bố chung do Nhà Trắng công bố, Mỹ sẽ "bắt đầu triển khai từng đợt vũ khí tầm xa của lực lượng đặc nhiệm ở Đức vào năm 2026, như một phần trong kế hoạch duy trì hoạt động của các vũ khí này trong tương lai".
Các hệ thống vũ khí được triển khai tới Đức sẽ bao gồm tên lửa phòng không SM-6, có tầm bắn lên tới 460km và tên lửa hành trình Tomahawk, được cho là có thể tấn công các mục tiêu ở cách xa hơn 2.500km.
Nhà Trắng cho biết "vũ khí siêu vượt âm đang phát triển" cũng sẽ được đặt ở Đức và sẽ có "tầm bắn xa hơn đáng kể so với các vũ khí trên đất liền hiện nay ở châu Âu".
Các nước châu Âu gần đây tuyên bố sẽ phát triển tên lửa hành trình tầm xa và tăng cường sản xuất quốc phòng trong bối cảnh căng thẳng leo thang với Nga và nhu cầu đạn dược của Ukraine ngày càng tăng.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói với các phóng viên ở Washington rằng thỏa thuận mới sẽ đóng vai trò như một biện pháp ngăn chặn nhằm bảo vệ lãnh thổ của NATO và Đức.
"Quyết định này đã được đưa ra từ lâu và không thực sự gây ngạc nhiên cho bất kỳ ai liên quan đến chính sách an ninh và hòa bình", ông Scholz nói thêm.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cảnh báo kế hoạch của Mỹ sẽ làm tăng khả năng xảy ra một cuộc chạy đua tên lửa và có thể dẫn đến leo thang căng thẳng không kiểm soát. Ông cho rằng, với việc triển khai vũ khí của Mỹ ở Đức, Washington và Berlin đang ném tiền qua cửa sổ.
Ông Ryabkov tuyên bố Nga không có lý do gì để lo lắng về kịch bản này vì giới chức Nga từng dự đoán điều này sắp xảy ra và đã chuẩn bị sẵn sàng. Theo ông, Mỹ và NATO không thay đổi chính sách gây hấn, nhưng Nga không bị đe dọa và sẽ luôn tìm cách đáp trả những hành động như vậy.
Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Matviyenko cho biết phản ứng của Nga đối với việc triển khai tên lửa của Mỹ ở Đức sẽ rất cứng rắn.