1. Dòng sự kiện:
  2. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Ông Trump bị ám sát hụt

Đức nêu lý do cho phép Mỹ đặt tên lửa tầm xa trên lãnh thổ

Thành Đạt

(Dân trí) - Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết việc tiếp nhận các tên lửa tầm xa của Mỹ sẽ cho phép Đức có cơ hội phát triển các loại vũ khí tương tự của riêng nước này.

Đức nêu lý do cho phép Mỹ đặt tên lửa tầm xa trên lãnh thổ - 1

Tên lửa Tomahawk được phóng từ tàu tuần dương của Mỹ (Ảnh: Hải quân Mỹ).

Phát biểu với kênh truyền hình Deutschlandfunk hôm 11/7, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết việc tên lửa tầm xa của Mỹ được triển khai ở Đức sẽ giúp che đậy "lỗ hổng nghiêm trọng" trong phòng thủ. Ông cũng bày tỏ tin tưởng rằng các chính quyền tương lai của Mỹ sẽ không đảo ngược quyết định này.

Vào cuối hội nghị thượng đỉnh NATO trong tuần này, Berlin và Washington đã thông báo tên lửa hành trình của Mỹ sẽ được đặt tại Đức từ năm 2026. Việc triển khai những loại vũ khí như vậy trước đây bị cấm theo Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) thời Chiến tranh Lạnh, nhưng Washington đã rút khỏi thỏa thuận mang tính bước ngoặt này vào năm 2019.

Theo ông Pistorius, vì tên lửa tầm xa của Mỹ sẽ "chỉ luân phiên được đưa đến Đức", nên "hoàn toàn rõ ràng" rằng Washington kỳ vọng Berlin sẽ "đầu tư vào việc phát triển và mua sắm những loại vũ khí tầm xa như vậy".

Bộ trưởng Pistorius cho biết, việc triển khai tên lửa của Mỹ sẽ cho Đức thêm "thời gian cần thiết" để tự phát triển các loại vũ khí tương tự của riêng nước này.  Ông cho rằng mục tiêu này là chìa khóa để đảm bảo an ninh quốc gia của Đức.

Một tuyên bố chung do Nhà Trắng công bố tiết lộ các hệ thống vũ khí được triển khai tới Đức sẽ bao gồm tên lửa phòng không SM-6, có tầm bắn lên tới 460km và tên lửa hành trình Tomahawk, được cho là có thể tấn công các mục tiêu ở cách xa hơn 2.500km.

Nhà Trắng cho biết "vũ khí siêu vượt âm đang phát triển" cũng sẽ được đặt ở Đức và sẽ có "tầm bắn xa hơn đáng kể so với các vũ khí trên đất liền hiện nay ở châu Âu".

Tên lửa phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500km đến 5.500km đã bị cấm ở châu Âu theo Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) được ký vào năm 1987. Cùng với các hiệp định START-I và START-II, Hiệp ước INF đã giúp xoa dịu căng thẳng hạt nhân ở châu Âu sau khi phương Tây và Liên Xô tiến gần đến nguy cơ chiến tranh hạt nhân. 

Mỹ đã rút khỏi hiệp ước INF vào năm 2019, khi Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố một số tên lửa hành trình của Nga đã vi phạm thỏa thuận. Moscow phủ nhận cáo buộc này.

Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov ngày 11/7 cho biết kế hoạch triển khai vũ khí tầm xa mới của Mỹ ở Đức làm tăng khả năng xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang và có thể gây ra sự leo thang không thể kiểm soát.

Đại sứ Antonov chỉ trích việc triển khai tên lửa tầm xa của Mỹ tới Đức là "mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh quốc tế và sự ổn định chiến lược".

Nga từng tuyên bố tiếp tục tuân thủ hiệp ước và không phát triển tên lửa bị cấm theo quy định. Tuy nhiên, hồi đầu tháng này, Tổng thống Putin tuyên bố ngành công nghiệp quốc phòng Nga sẽ tiếp tục phát triển các loại vũ khí như vậy do "các hành động thù địch" của Mỹ.

Mỹ hồi tháng 5 tuyên bố cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do Washington cung cấp để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo Moscow sẽ "không để yên cho hành động cung cấp vũ khí nhằm vào Nga".

Theo RT